Cụ thể hóa các giải pháp phát triển kinh tế xã hội

01-11-2012 09:34 | Xã hội
google news

Chiều 31/10, QH làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013.

(SKDS) - Chiều 31/10, QH làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013. Trước đó, ngày 30 và sáng 31/10, QH thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện phát triển KTXH năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân – người điều khiển hơn 1,5 ngày thảo luận nói: Không khí thảo luận rất sôi nổi, các ĐBQH đã thể hiện sự tán thành với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế…
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội trường.       Ảnh: CTV

Tiết kiệm chi để tăng lương theo lộ trình

Thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, các ý kiến phát biểu tại hội trường đều chia sẻ khó khăn về tình hình thu, chi trong năm 2013 tới. Đa phần các ý kiến đều đề nghị Chính phủ cần nêu cao trách nhiệm, kỷ luật trong việc thu, chi ngân sách. Đồng thời, cần tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu, tăng thu cho ngân sách, đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi đột xuất.

Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, để có thể tăng lương theo lộ trình từ ngày 1/5/2013 cần khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng. Theo đó, sẽ tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ, công chức, viên chức, người nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người) thêm 100.000 đồng/người/tháng, bắt đầu từ ngày 1/7/2013.
 
Tổng số kinh phí cần là khoảng 21.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương lo 18.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương lo 3.300 tỷ đồng. Để có nguồn thực hiện phương án tăng lương như trên, dự kiến Chính phủ sẽ báo cáo với QH giảm mức đầu tư công 10.000 tỷ đồng, như vậy đầu tư từ ngân sách năm 2013 chỉ còn 170.000 tỷ đồng; trình QH cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55.000 - 60.000 tỷ đồng nhưng vẫn đảm bảo tổng mức 225.000 tỷ đồng đã được QH quyết định cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2015; tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 10%, khoảng 1.600 tỷ đồng; giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng còn 73.200 tỷ đồng.
 
Trong trường hợp ngân sách năm 2012 có tăng thu, sẽ bố trí để ưu tiên cho khoản chi này; khoản ngân sách địa phương cân đối 3.300 tỷ đồng lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán trình QH và từ phần 50% tăng thu dành cho lương còn lại ở một số địa phương. “Đây là phương án tính cực và khả thi nhất có thể. Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức 7-8%/ năm để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho công chức, người lao động, người hưởng lương”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc phủ BHYT toàn dân

Phát biểu tại hội trường vào chiều 30/10, về kết quả thực hiện chính sách BHYT toàn dân, ĐBQH Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) đã chỉ rõ nguyên nhân của việc thực hiện BHYT toàn dân chưa đạt yêu cầu là do sự thiếu đồng bộ trong công tác chỉ đạo và phối hợp giữa các cấp, các ngành, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT của hệ thống chính trị đóng vai trò rất quan trọng, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có những chỉ đạo cụ thể, mạnh mẽ của các cấp chính quyền, sự tham gia còn hạn chế của các hội, các đoàn thể, công đoàn trong công tác BHYT, tăng tỷ lệ BHYT là nhiệm vụ KTXH của địa phương mình.
 
Hiện nay cả nước mới chỉ có 25% người cận nghèo tham gia BHYT, vai trò, trách nhiệm của ngành LĐ-TB-XH và UBND các cấp trong việc tổ chức thực hiện BHYT cho người cận nghèo chưa kịp thời, đầy đủ. Đối với người tự nguyện tham gia BHYT, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc vận động hay tổ chức phối hợp với cơ quan BHXH trong tuyên truyền, vận động, do vậy người dân thiếu thông tin để tham gia BHYT... Để việc thực hiện BHYT toàn dân theo đúng lộ trình, ĐB Phương kiến nghị: Trong báo cáo của Chính phủ cần làm rõ tỷ lệ bao phủ BHYT ở các nhóm đối tượng để từ đó có lộ trình cụ thể cho từng nhóm đối tượng.
 
Chia sẻ với nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH về công tác y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế, ĐBQH (TP.HCM) Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Chúng tôi hy vọng với sự nỗ lực, các ĐBQH giám sát thúc đẩy các địa phương. Gần đây Chính phủ cũng ra quyết định hỗ trợ người cận nghèo 70%, nhiều địa phương đã hỗ trợ 30% để mua BHYT cho nhân dân. Chúng tôi nghĩ đấy là nguồn tài chính vững bền để đảm bảo một nền y tế công bằng hiệu quả và phát triển, người dân không phải bỏ tiền và tất cả chỉ chi trả giữa BHXH và nơi cung cấp dịch vụ là bệnh viện.

 Mục tiêu BHYT toàn dân là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. Ảnh: TM

Giảm quá tải bệnh viện, thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp

Phát biểu tại hội trường về công tác giảm quá tải bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế, ĐBQH (TP.HCM) Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, đây là một thực trạng rất nhức nhối đối với người dân. Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ rõ: Số giường bệnh của chúng ta quá thấp, mới đạt 22,5 giường/10 vạn dân, trong khi đó yêu cầu tối thiểu là phải 33 và đối với các nước xung quanh là 80 - 100, thậm chí 140...
 
Bên cạnh đó, sự phân bố không đồng đều các bác sĩ cũng như trang thiết bị ở tuyến dưới. Về vấn đề này, QH, Chính phủ rất quan tâm và Bộ Y tế đã xây dựng đề án trình Chính phủ và sắp được phê duyệt gồm những giải pháp chính là tăng số giường bệnh ở những chuyên khoa quá tải ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong một năm qua, Bộ Y tế đã cố gắng xây dựng được BV Ung bướu cơ sở 2 tại Thanh Trì, Hà Nội và sắp tới là cơ sở 2 của BV Nội tiết.
 
Khoa Ung bướu, Tim mạch BV Bạch Mai hiện nay đã tăng được 200 giường bệnh, các cơ sở của TP.HCM tăng khoảng 500 giường ở các cơ sở bệnh viện tuyến huyện và Hà Nội, TP.HCM đã xây dựng đề án và trình Chính phủ trong tháng qua. Ngoài ra, ngành y tế đang xây dựng và chuẩn bị phê duyệt bệnh viện vệ tinh đối với 5 chuyên khoa ở các tỉnh có khả năng, sau khi dự án bệnh viện vệ tinh thành công thì những tỉnh này có thể tự điều trị mà không cần phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên với sự hỗ trợ của tuyến trên cả về con người, cơ sở vật chất và kỹ thuật.
 
Ngành y tế đang xây dựng Đề án Bác sĩ gia đình và triển khai ở một số tỉnh quá tải và đào tạo cán bộ. Trong tháng tới, chúng tôi sẽ làm một đề án với khoảng 100 bác sĩ trẻ xung phong về 63 huyện nghèo đối với những bác sĩ tốt nghiệp loại khá, giỏi được đào tạo một năm các chuyên khoa mà 63 huyện nghèo cần thiết để giúp tăng cường chất lượng của tuyến dưới...  
Anh Tuệ
 

Phó Thủ tướng Chính phủ  Hoàng Trung Hải: An toàn cho dân là mục tiêu số 1

Về an toàn của Thủy điện Sông Tranh 2, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã thuê công ty tư vấn nước ngoài của Thuỵ Sỹ đánh giá đập trên các tiêu chí: thiết kế đập, ổn định đập, quan trắc đập và khả năng gây động đất của hồ chứa. Tư vấn nước ngoài đánh giá đập được thiết kế bảo đảm về tiêu chuẩn, có dự phòng về ổn định đập và ổn định chống động đất... Như vậy, không có dấu hiệu mất an toàn của đập cũng như hồ chứa. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt bão. Các phương án đang được khẩn trương xây dựng, khi nào xong sẽ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố, đảm bảo an toàn cho người dân ngay cả khi các trường hợp xấu nhất xảy ra.

ĐB Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh): Cần giải pháp mạnh mẽ kiểm soát tỷ suất giới tính khi sinh

Chúng ta phải mất gần 40 năm để thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh 1 hoặc 2 con vì thế việc kiểm soát giới tính khi sinh không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là một quá trình liên tục bền bỉ và việc kiểm soát giới tính khi sinh không phải chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của toàn xã hội. Chúng tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu phát triển dân số tự nhiên cho phù hợp các chỉ tiêu về nhiệm vụ kinh tế xã hội hàng năm để có các giải pháp mạnh mẽ kiểm soát tỷ suất giới tính khi sinh, đảm bảo phát triển dân số bền vững.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Tôi xin nhận khuyết điểm

Về nội dung quản lý thị trường vàng, tôi xin thay mặt NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quản lý thị trường vàng. Do vậy, còn có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây nên những cái hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường. Bên cạnh kết quả bước đầu về quản lý thị trường vàng, chúng tôi cũng nhận khuyết điểm trước QH là vẫn còn một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng.


Ý kiến của bạn