Là môn thể thao trọng điểm của Việt Nam ở các đấu trường tầm cỡ châu lục và cả Olympic, cử tạ được đầu tư nhiều và cũng gánh nhiều trọng trách, trong đó phải kể đến tấm HCV quyết tâm có được tại Asiad 17 ở Hàn Quốc trong năm nay, vượt qua vòng loại Olympic để có mặt tại Brazil vào năm 2016. Bên cạnh mục tiêu đó, các đô cử trẻ cũng được kỳ vọng sẽ đạt thành tích cao tại Olympic trẻ tại Nam Kinh vào tháng 8 tới.
Tập huấn dài hạn tại Hungary
Đây là địa điểm tập huấn khá “truyền thống” của đội tuyển cử tạ Việt Nam trước những cuộc thi đấu quốc tế quan trọng. Cách đây một năm, vào ngày 4/4/2013, tại thành phố Győr, Chủ tịch Ủy ban Olympic Hungary (MOB) Borkai Zsolt đã ký thỏa thuận hợp tác với ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam về chương trình hợp tác giữa ngành TDTT 2 nước. Theo đó, các VĐV cử tạ sẽ có dịp sang luyện tập ở trại tập huấn thành phố Tata dài ngày với chi phí hợp lý. Chính vì vậy mà dự kiến của bộ môn đã thay đổi. Thay vì chỉ đi tập huấn vào tháng 7 cho đến tận trước thềm Asiad thì nay đợt tập huấn sẽ kéo dài hơn, ngay từ tháng 4 này.
Có thể khẳng định rằng, lực lượng VĐV cho các đấu trường trong vòng 5 năm tới là rất triển vọng và được đầu tư bài bản, được tham gia các cuộc đấu quan trọng vừa tích lũy được kinh nghiệm, vừa tích điểm tham dự Olympic (cả trẻ và truyền thống). Thêm nữa, việc xác định VĐV trọng điểm của cử tạ Việt Nam rất tốt, không có sự đầu tư dàn trải. Tính đến nay, chỉ có 4 VĐV mạnh nhất được đầu tư lâu dài: Nguyễn Trần Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn và Đỗ Thị Thu Hoài. Trong số trên, dù Quốc Toàn đang bị chấn thương, nhưng vẫn trong thành phần tập huấn tại Hungary để vừa tập luyện vừa chữa trị chấn thương với những bác sĩ thể thao hàng đầu của nước bạn.
Chuyên gia mới, mục tiêu mới
Cùng thời điểm, các VĐV khác vẫn tiếp tục tập luyện tại hai trung tâm: Trung tâm HLTTQG Hà Nội với 7VĐV nữ, 3VĐV nam; Trung tâm HLTTQG TP.HCM có 5VĐV nam. Họ sẽ được tập luyện dưới sự chỉ đạo của HLV người Bulgaria là Koleva Kristiana. Vị HLV nữ sinh năm 1961 này khá nổi tiếng trong làng cử tạ xứ hoa hồng. Bà từng làm HLV đội tuyển Bulgaria nam, nữ trong những năm 2000 - 2004 và từ 2011 - 2013. Đội tuyển cử tạ cần những HLV đủ chuyên môn cũng như kinh nghiệm để đưa cử tạ Việt Nam lên tầm cao hơn. HLV Huỳnh Hữu Chí, người đưa Thạch Kim Tuấn hay mới đây là Nguyễn Trần Anh Tuấn đến với cử tạ và cũng là người luôn theo sát sự thăng tiến của cử tạ Việt Nam rất mừng khi được cộng tác với chuyên gia hàng đầu này của Bulgaria. Hy vọng với sự kết hợp giữa HLV ngoại có chuyên môn cao cùng với HLV nội nhiều kinh nghiệm sẽ giúp cho cử tạ Việt Nam có những chiến thắng tại các giải đấu lớn sắp tới.
Trần Lê Quốc Toàn tích cực tập luyện
Theo chỉ tiêu đã giao, chuyên gia này sẽ đưa đội tuyển cử tạ Việt Nam chuẩn bị tích cực cho vòng loại Olympic Brazil trong các năm 2014 và 2015. Lãnh đạo bộ môn khẳng định việc đội tuyển cử tạ quyết tâm đi bằng cửa chính đến Olympic 2016 với số lượng VĐV đông đảo hơn. Theo đó, 2 giải vô địch thế giới năm 2014 và 2015, cử tạ Việt Nam sẽ đi đủ đội hình thi đấu của cả nam và nữ, quyết tâm tích đủ điểm đồng đội để rơi vào nhóm 1/24 đội nam và 1/19 đội nữ mạnh nhất thế giới. Những VĐV nữ tốt nhất hiện nay là Nguyễn Thị Kim Vân (2 HCV vô địch châu Á), Lâm Thị Bích (HCV SEA Games 27), Nguyễn Thị Bích Hà (HCB SEA Games 27). Bên cạnh đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ năm nay cũng có nhiều cơ hội thi đấu cọ xát và được kỳ vọng rất nhiều.
Ngay giải đấu đầu năm 2014, các đô cử trẻ “mở hàng” tại Giải vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2014 đã giành được nhiều chiến thắng vang dội với 6HCB, 2HCĐ, thêm được 1 suất tham dự Olympic trẻ tại Nam Kinh thành 4 suất. Người thể hiện xuất sắc nhất tại giải là lực sĩ Ngô Thị Quyên (Hải Phòng). Ngô Thị Quyên giành HCB nội dung cử đẩy (76kg) và HCĐ tổng cử với 135kg; Nguyễn Trần Anh Tuấn (56kg nam) giành 3HCB, Lý Quang giành 2HCB, 1HCĐ. Ngay sau đó, trước thềm Olympic trẻ tại Nam Kinh, các đô cử trẻ còn được dự giải trẻ vô địch thế giới tại Nga vào tháng 6. Những VĐV có thành tích cao tại các giải đấu này chắc chắn sẽ trở thành trọng điểm đầu tư của cử tạ Việt Nam để chuẩn bị cho Asiad 18.
Đồng lòng phát triển
Nhờ sự điều tiết khoa học của bộ môn cũng như sự phối hợp đầu tư của các địa phương, cử tạ Việt Nam đã và đang có những bước tiến đều đặn, nhịp nhàng.
Một chuyên gia cử tạ phân tích: “Hiện nay, thể thao Hà Nội và Hải Phòng chủ yếu đầu tư cho các đô cử nữ để nhằm tranh thủ lợi thế về giới tính khi nhiều quốc gia không có nữ tham gia tại các đấu trường SEA Games, Asiad. Các địa phương khác như TP.HCM, An Giang, Đà Nẵng thì lại tập trung đầu tư cho các đô cử nam hạng cân nhẹ vì nhắm đến những mục tiêu lớn như Olympic. Chính vì vậy mà hiện nay, chiến lược đầu tư hợp lý và nhẹ nhàng, tránh những khúc mắc không đáng có trong quá khứ.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần có sự đầu tư cân bằng về giới nếu muốn có sự tiến bộ. Một điểm yếu khác nữa của cử tạ Việt Nam chính là lực lượng khá mỏng, mỗi hạng cân chủ yếu chỉ có 1 - 2 lực sĩ đảm trách. Các chuyên gia cử tạ cũng rất hy vọng vào việc HLV mới người Bulgaria sẽ có hướng để phát triển lực lượng VĐV để cử tạ Việt Nam càng lúc càng lớn mạnh hơn nữa.
Phúc Anh