Cứ sống với rừng, khỏe re!

19-03-2016 12:46 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Dạy học được gần 20 năm, người gầy gò, thỉnh thoảng tức ngực, ho khan. Ði khám, chụp chiếu bác sĩ bảo phổi có vấn đề rồi đấy, nếu không giữ gìn cẩn thận dễ bị nhiễm lao.

“Dạy học được gần 20 năm, người gầy gò, thỉnh thoảng tức ngực, ho khan. Ði khám, chụp chiếu bác sĩ bảo phổi có vấn đề rồi đấy, nếu không giữ gìn cẩn thận dễ bị nhiễm lao. Mình nghe vậy, bụng bảo dạ: Thế thì tốt nhất lên rú (rừng) mà sống, hưởng không khí trong lành, tránh mọi sự bon chen, bụi bặm chốn đô hội...”.

Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an mở trại viết ở biển Cửa Lò, có các nhà văn trong cả nước về dự. Một hôm, nhà văn Nguyên An bảo chúng tôi: - Quê tôi thời nào cũng hay xuất hiện “Ông đồ Nghệ gàn”. Hiện tôi có người bạn vốn là thầy giáo bỏ nghề, hơn 20 năm nay chỉ cặm cụi trồng cây gây rừng. Ngay từ buổi đầu vận động bà con trong xã cùng mình vác cuốc lên đồi, ông bạn đã tuyên bố, không vì lợi nhuận mà chỉ vì vẻ đẹp của cảnh quan môi trường. Nay đã đạt tới con số 1.000ha rừng trồng và cánh rừng trồng đầu tiên đã khai thác được, bạn tôi vẫn một mực bảo không vì lợi nhuận. Các anh có tin được không?

Chủ rừng Lê Duy Nguyên bên cánh rừng thông mới trồng được dăm năm.

Rồi Nguyên An rủ chúng tôi đến thăm người bạn “gàn” ấy. Đó là ông Lê Duy Nguyên, năm nay 66 tuổi, ở Đông Hồi, Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông bà sống trong một căn nhà bình thường như những nhà khác trong xóm nghèo ven biển Quỳnh Lưu. Vừa gặp, chủ rừng đã có nhã ý cho chúng tôi thưởng thức bài thơ Cỏ ông mới sáng tác: Cỏ không biết nói dối/Và đã sống là xanh/Li ti đôi mắt cỏ/Đủ làm ta giật mình... Bài thơ khá hay. Tôi chợt nghĩ, phải chăng vì có tâm hồn thi sĩ “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, mà năm 1993 vị chủ nhà này đang dạy môn vật lý ở trường chuyên Phan Bội Châu, thành phố Vinh, bỏ tất cả, xin nghỉ hưu cùng vợ về quê trồng rừng? Câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt buổi đi thăm rừng, cũng là tìm lời giải đáp cho câu hỏi ông nhà văn bạn của ông Nguyên đặt ra. Ông Nguyên kể về khởi nguyên chuyện bỏ nghề: Dạy học được gần 20 năm, mình người gầy gò, thỉnh thoảng tức ngực, ho khan. Đi khám, chụp chiếu bác sĩ bảo phổi có vấn đề rồi đấy, nếu không giữ gìn cẩn thận dễ bị nhiễm lao. Hỏi lại: Giữ gìn cẩn thận là mần răng (làm sao)? Bác sĩ khuyên, ăn uống đủ chất, lao động thường xuyên, điều độ, đừng có hít bụi phấn, hít bụi đường phố nữa thì tự nhiên cơ thể khỏe lên, bệnh tiêu tan. Vi trùng lao là vậy, khu trú trong người, ta khỏe nó thu mình trong “kén”, ta yếu nó sống dậy phát tác. Mình nghe vậy, bụng bảo dạ: Thế thì tốt nhất lên rú (rừng) mà sống, hưởng không khí trong lành, tránh mọi sự bon chen, bụi bặm chốn đô hội...

Theo nhà văn Nguyên An, từ lâu ông bạn đã có chủ ý muốn phủ xanh vùng đồi núi trơ cằn ở quê hương. Và chuyện “phổi yếu” chỉ là giọt nước tràn ly thôi. Thế là ông nhận chế độ “một cục” về quê. Lúc đầu ông chỉ định nhận khoảng 200ha đất rừng, nhưng người đứng đầu hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu “ấn định” ngay: 1.000ha, trong 50 năm. Anh em kiểm lâm tin tưởng ông là một nhẽ, nhưng cũng phải thừa nhận vùng đồi núi ấy, nếu “ngon” đã chẳng đến phần ông. Ông thì nhìn vào tổng thể, vùng đồi núi ấy tuy khô cằn, toàn cây bụi và cỏ lác, song có địa thế khá đẹp bên rừng, bên biển. Thật tuyệt nếu mai này có cánh rừng soi bóng xuống biển! Và ông bắt tay vào việc ngay theo kiểu “vết dầu loang” mở dần diện tích trồng rừng, được đến đâu chắc đến đấy. Buổi đầu ông cùng mọi người trồng phi lao chắn cát ven biển, trên đồi trọc thì trồng bạch đàn, keo, trầm gió, lim, thông. Ông lấy tiền nhà, rồi tiền hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước, tiền vay vốn ngân hàng lãi suất ưu đãi để thuê bà con trong vùng với mức  840 nghìn đồng/người/tháng. Thời kỳ đầu, cao điểm mỗi ngày có khoảng 60 lao động thường xuyên lên đồi, mỗi năm huy động được hơn 2.000 nhân công. Màu xanh dần che đi đất cằn sỏi đá. Cứ “kẽo kẹt” làm như thế, gần 10 năm sau đã có 300ha rừng hỗn giao bạch đàn, keo khai thác được, bên cạnh những 200ha lim xanh xen gió trầm; 100ha thuần lim xanh; 10ha phi lao... đã khép tán. Ông còn chú trọng đầu tư làm đường đi lại, kết hợp đường ranh cản lửa và xây đập nước giữ ẩm cho toàn vùng. Từ 2004, vốn rừng mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng, có thêm tiền để mở rộng diện tích, thuê máy móc làm các công trình hạ tầng.

Cùng vợ chăm sóc vườn ươm.

Con đường xuyên giữa rừng chúng tôi đang đi bề mặt phẳng phiu rộng 6m, dài hơn 20km. Đến một thung lũng có đập nước cao 45m, dài 300m, dung tích hồ chứa vào mùa mưa 1 triệu m3 nước. Ở một ngã ba vào hồ, có tảng đá lớn sừng sững, trên vách khắc dòng chữ đập vào mắt người đi đường “Bạn có yêu thiên nhiên”. Quả là khẩu hiệu hay một câu cách ngôn khắc trên đá không thấy ở đâu! Ông chủ rừng bảo: Năm 1996, vùng nuôi hươu sao bị mất giá, mình liền vét tiền túi và đi vay bạn bè mua rẻ được 60 con hươu sao mang về đây, thả rông trong rừng chứ không nuôi nhốt. Từ đó đến nay đã có hươu đẻ... Như phụ họa cho lời ông, xe vừa đến đập nước, đã thấy mẹ con nhà hươu xuất hiện bên hồ thong thả gặm cỏ. Ông nói thêm: Ngoài hươu, mình còn thả vào rừng nhiều đợt khỉ, rùa, sóc, tắc kè...  Có nhà văn hỏi: Sao không nuôi dê? Chủ rừng cười: Mình đã nói rồi, đến với rừng không phải vì kinh doanh mà muốn làm đẹp cảnh quan môi trường, vậy nên chỉ thả những con thú quen sống hoang dã. Lại có nhà văn hỏi: Thả rông, không sợ săn bắt trộm à? Ông nói, người dân trồng rừng chính là người bảo vệ, quyền lợi của họ gắn với rừng. Tôi nghĩ: Giờ thì rõ hơn chất thi sĩ của ông giáo “gàn” này!

Đi đến hết con đường, xe quay đầu, chủ rừng cao hứng bảo, mình thì ngày càng khỏe ra, không còn chứng tức ngực, ho khan, cuộc đời quả như câu hát Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao! Còn chuyện này có thể các vị chưa biết. Năm 1998, đang trên rừng thì bất ngờ bà con và chính quyền địa phương tín nhiệm đưa mình vào danh sách bầu đại biểu Quốc hội (Khóa X). Mình nghĩ, cái anh trồng rừng chẳng quyền chức gì, trúng thế nào được, nhưng cũng tặc lưỡi, cứ thử xem sao. Ai ngờ trúng. Thêm công việc xã hội,  bận bịu hơn, cũng vui, được đi nhiều, biết nhiều. Là đại biểu Quốc hội rồi, mình nói với cử tri: Mơ ước của mình là một ngày không xa cả vùng 1.000ha rừng trồng này sẽ trở thành khu du lịch sinh thái có rừng, có biển và vị trí này ngày càng đắc địa hơn khi nó là điểm tiếp giáp hai khu công nghiệp, hai thành phố lớn là Hoàng Mai (Nghệ An) và Nghi Sơn (Thanh Hóa). Khu công nghiệp, đô thị không thể tránh bụi bặm, ồn ào, thì bù vào, có khu du lịch sinh thái này cho con người đến nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành. Rõ là một công đôi việc.

Còn có một chuyện khá vui ông bật mí với cánh nhà văn. Một lần mình đi họp Quốc hội, có ông bạn đồng hương hiện là đại gia ở Hà Nội rủ đi ăn nhậu. Cuối buổi, ông bạn bảo chiêu đãi tiếp khoản... tươi mát. Thế là vào khách sạn. Có một cô trẻ, đẹp vào phòng, mình xưng “chú”, ban đầu cô xưng “em”, sau vài chục phút chẳng thấy chú hành động gì thì cô chuyển  sang “cháu”. Mình khuyên nhủ vài câu cho có lệ và giở ví cho cháu ít tiền rồi chia tay. Cái tạng mình dẫu cũng có lúc “tức cảnh sinh tình” làm được dăm câu thơ, song không thể là “thi sĩ lãng mạn”, vẫn trơ ra cái anh nông dân cày cuốc, ưa chim ca vượn hú trên rừng thôi...

Dẫu cuộc đến thăm vùng rừng trồng của chúng tôi ngắn ngủi, nhưng đủ để chứng minh điều nhà văn Nguyên An đã nói ở trên, chất “Nghệ”, đồng nghĩa với chất “thi sĩ” của người chủ rừng này. Cũng đúng như câu thơ của ông tự ví mình như cỏ: Li ti con mắt cỏ/Đủ làm ta giật mình. Quả chúng tôi “giật mình”. Thành quả mà ông mang lại cho quê hương, 1.000ha rừng trồng, con số rất ấn tượng về mặt kinh tế, song hiệu quả tốt đẹp về môi trường thì khó có thể đo đếm được. Và vì cách sống vui, sống khỏe, trong sáng, lành mạnh của chủ rừng. Khi chia tay chúng tôi, ông cười rất tươi và vẫn nói câu cửa miệng: Cứ sống với rừng, khỏe re!


Phạm Đào Ly
Ý kiến của bạn