Cụ ông phải cấp cứu khẩn cấp vì ăn lá cây hoa chuông

07-06-2018 14:17 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - BVĐK tỉnh Bắc Giang cho biết, các bác sĩ liên khoa Lão học, Hồi sức tích cực và chống độc vừa cấp cứu kịp thời cho bênh nhân bị ngộ độc do ăn phải lá cây hoa chuông.

Bệnh nhân là  ông N.V.Đ, 74 tuổi ở xã Việt Tiến, Việt Yên, nhập viện trong tình trạng Tăng huyết áp (huyết áp 160/90 mmHg), không rõ liệt, nhịp tim nhanh, lơ mơ, bệnh nhân được theo dõi tai biến mạch máu não do THA,  tuy nhiên kết quả  chụp CT sọ não lại bình thường.

Sau đó, bệnh nhân xuất hiện kích thích, vật vã, hoang tưởng, đồng tử giãn, mặt đỏ, bụng chướng căng, bệnh nhân ngay lập tức được kiểm tra Xquang ổ bụng thấy nhiều mức hơi trong quai ruột, kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy các quai ruột giãn chứa nhiều dịch và hơi.

Qua khai thác tiền sử  bệnh nhân, các bác sĩ đã phát hiện, trong bữa trưa đúng ngày vào viện, bệnh nhân có ăn canh một loại rau lạ mà gia đình không biết tên. Theo người nhà mô tả, cây rau đó có hoa giống hoa loa kèn, màu vàng và hoa rủ xuống đất.  Các bác sĩ liền nghĩ ngay đến cây hoa chuông, và sau khi cho người nhà bệnh nhân xem hình ảnh thì đúng loài cây này.

Một trường hợp cấp cứu vì ngộ độc hoa loa chuông tại BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí.


BSCKII. Phạm Thị Thúy Lan - Trưởng khoa Lão học, cho biết, sau khi xác định tình trạng bệnh nhân và nắm bắt được tình hình, Khoa Lão học phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã tiến hành cấp cứu bệnh nhân theo hướng xử lý ngộ độc: Rửa dạ dày, truyền dịch và hồi sức tích cực để duy trì các chức năng sinh tồn ổn định. Sau ba ngày điều trị đặc biệt, bệnh nhân ổn định sức khỏe và đã được xuất viện.

Trước đó  theo ghi nhận của phóng viên, tại BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, BVĐK Hà Đông các bác sĩ đều đã cấp cứu cho hai cặp vợ chồng lớn tuổi ăn lá cây chuông thay rau bị nguy kịch, hay BVĐK tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp nhận một gia đình cả 5 người đồng loạt nhập viện cũng vì ăn lá loại cây này. Đáng nói là hầu hết các nạn nhân đều cho biết, nghe theo lời mách là ăn lá cây hoa này mát, có tình chất thanh nhiệt nên nấu để ăn.

BS. Lan cũng cho biết, cây hoa chuông có độc tính rất cao, thành phần chất độc trong cây là Scopolamine (là chất kháng Cholinergic, chất độc bảng A, là một mê dược, một dạng ma túy). Khi ăn bất kể thành phần nào của cây đều có chứa độc tố gây nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không sử dụng bất kỳ thành phần nào của cây hoa chuông và không nên ngửi mùi hương của loài hoa này để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm:

Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không, đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở. Xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê.

Nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra trong vòng trước 4-6 giờ thì lúc đó thức ăn vẫn còn trong dạ dày người bệnh. Vì vậy, nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần kích thích cho bệnh nhân nôn càng nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ngộ độc ra ngoài, và có thể kích thích bằng cách ngoáy nhẹ họng, hoặc cho uống nước muối loãng.

Không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì dễ bị hít sặc thức ăn và làm tắt đường thở. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc.

Trường hợp nhẹ (chỉ nôn ói, tiêu chảy...) có thể điều trị tại nhà bằng cách cho uống nước bù bằng dung dịch điện giải, nhưng không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Nếu tình trạng bệnh nặng phải chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.

BS. Trần Quang Nhật

H.Nguyên
Ý kiến của bạn