ThS.BS. Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (BV ĐH Y Hà Nội) cho biết, mới đây, khoa Cấp cứu tiếp nhận trường hợp bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng rất nặng, người lờ đờ, chậm chạp, mắt trũng, da khô, mạch nhanh, huyết áp tụt, bí tiểu, vô niệu. Trước đó, ông H. đã có biểu hiện đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng chủ quan không đi khám, chỉ đến khi tình trạng quá nặng (đi ngoài đến 30 lần/ngày) ông mới chịu đến BV.
“Nhận định ban đầu bệnh nhân H. sốc giảm thể tích, đi ngoài phân lỏng kéo dài, rối loạn điện giải ở bệnh nhân đái tháo đường. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân suy thận cấp, chỉ số creatinin 700 mcmol/l, ure 35 mmol/l, Natri 150 mmol/l, đường máu 20 mmol/lít. Rất nhanh chóng bệnh nhân được đặt cathter tĩnh mạch trung tâm, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm bằng 0 cmH2O, chứng tỏ bệnh nhân bị mất nước ngoài tế bào mức độ nặng. Bệnh nhân được cấp cứu truyền dịch qua đường tĩnh mạch trung tâm, tổng cộng truyền khoảng 6 lít dịch mới bắt đầu có nước tiểu trở lại. Sau một tuần điều trị tích cực, chức năng thận của bệnh nhân mới cải thiện được nhưng vẫn chưa đến mức bình thường. Trường hợp bệnh nhân H. nếu tiếp tục để kéo dài sẽ dẫn đến sốc trơ, suy đa tạng, tăng kali thể dẫn đến tử vong”- ThS. Hà nói.
Từ ca bệnh này, ThS. Hà khuyến cáo, bệnh nhân đái tháo đường vốn đã có cơ địa “mong manh” nên cần phải dùng thuốc đều đặn và có chế độ sinh hoạt hợp lý theo lời khuyên bác sĩ chuyên khoa tiểu đường. Các bác sĩ điều trị sẽ hiểu được khẩu phần ăn của từng bệnh nhân tiểu đường như thế nào để vừa đảm bảo năng lượng cho cơ thể làm việc, đồng thời đảm bảo đường máu luôn ở mức ổn định, tránh biến chứng xảy ra (bao gồm biến chứng cấp tính như: hôn mê do mất nước, do tăng đường máu quá nhiều, do nhiễm toan tăng áp lực thẩm thấu, biến chứng hạ đường huyết và biến chứng mạn tính).
Trào lưu detox đang rầm rộ khắp nơi nhưng không hề có cơ sở khoa học nào.
Riêng với các loại thực phẩm chức năng, theo ThS. Hà, hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng tỏ TPCN có thể thay thế hoàn toàn được thuốc điều trị bệnh. Chính vì vậy, người bệnh khi sử dụng bất cứ thuốc hoặc TPCN nào vào cơ thể cần theo lời khuyên bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được lạm dụng. Bởi lẽ tất cả các thuốc vào cơ thể đều chuyển hóa qua gan thận, nếu dùng không có sự kiểm soát đều có thể dẫn đến tác hại nhiều hơn lợi ích, đó là chưa kể đến các thuốc còn có sự tương tác lẫn nhau.
Một số vị thuốc đông y cũng có tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, có tác dụng làm giảm đường máu, tuy nhiên, ThS. Hà cũng khuyến cáo, khi sử dụng vẫn phải hết sức thận trọng và tuân theo sự tư vấn của thầy thuốc.
Cẩn trọng với trào lưu detox
Theo ThS.BS. Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), trong y học, detox là phương pháp giải độc để điều trị cho các trường hợp ngộ độc cụ thể như thuốc, rượu, hoặc chất độc (ví dụ: kim loại nặng như chì...), chứ không phải là cách giải độc, thanh lọc cơ thể bằng uống một thứ dung dịch gì đó (như rau quả tươi, nước ép trái cây và nước) trong vài ngày đến vài tuần.
ThS. Hùng cho rằng, bản thân cơ thể con người đã là một hệ thống giải độc tuyệt vời, việc khẳng định chúng ta đang tích lũy số lượng lớn các “độc tố” nguy hiểm là vô lý và nó chứng tỏ sự thiếu hiểu biết một cách sâu sắc về sinh lý con người và chuyển hóa. Trong cơ thể, gan sẽ làm nhiệm vụ chuyển hóa các chất độc thật sự, giúp nó hòa tan trong nước và thải qua nước tiểu ngăn chặn các độc tố thật sự tích lũy. Đối với những thứ gây độc thật sự cho cơ thể mà gan không thải ra được, thì bắt buộc phải vào viện điều trị.
Với trào lưu detox trong giới trẻ hiện nay, chẳng ai dám chắc tác dụng phụ lâu dài mà nó để lại, nhưng việc nhãn tiền là sự mất cân bằng điện giải (natri và kali) cùng lượng glucose trong máu. Những người bị tiểu đường, bệnh tim, gan hoặc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai cho con bú càng khiến tình trạng nguy hiểm hơn nếu áp dụng những cách detox này.
Bài 1: Bác sĩ “mổ xẻ” trào lưu detox nguy hiểm đang lan truyền khắp mạng xã hội
Bài 2: Detox sai cách chẳng khác gì... "ăn thịt" bản thân
Bên cạnh trào lưu detox "tự chế" thì trên rất nhiều trang mạng hiện đang rao bán nhan nhản các loại TPCN với công dụng giải độc, thanh lọc cơ thể. Người xem rất dễ bị thu hút bởi các dòng quảng cáo như: TPCN detox không dùng thì tiếc; TPCN detox giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng… Tuy nhiên, sau một thời gian dùng TPCN detox thì không ít người than phiền về tình trạng sức khỏe. Một thành viên chia sẻ trên mạng xã hội: “Mình thì mình không biết nó có hiệu quả thật không nhưng trước đây mẹ của mình bị tiểu đường cũng nghe lời mách bảo, rồi tham dự hội thảo mua một đống TPCN detox về uống, tốn kém vài triệu đồng. Mua về uống chưa hết lọ thứ nhất thì ngày nào cũng bảo mệt mỏi, bủn rủn tay chân, đến lúc đi thử đường trong máu thì bị tăng cao! Bác sĩ không cho uống nữa”.
Một người khác thì bình luận: “Năm ngoái mẹ tôi chẳng hiểu nghe ở đâu cũng đi mua mấy lọ TPCN về dùng một thời gian thì tình hình sức khỏe vẫn như lúc trước. Mẹ tôi cứ tiếc rẻ cố uống cho hết thôi chứ cũng chẳng tác dụng như các bác bán hàng quảng cáo…”.