Một ca bệnh đặc biệt hi hữu, bệnh nhân (BN) ngừng tuần hoàn ngoại viện liên quan đến nhồi máu cơ tim cấp, có tiền sử tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) vừa được các bác sĩ BV ĐH Y Hà Nội cứu sống sau 45 phút cấp cứu liên tục và khỏe mạnh ra viện sau gần một tháng điều trị. Y văn thế giới hiện cũng ghi nhận rất ít trường hợp tương tự.
Gục ngã khi đang ăn sáng
Trong lúc đang dùng bữa sáng tại nhà, ông N.T.B (74 tuổi, Hà Nội) đột nhiên mất ý thức rồi đổ gục xuống ghế. Người nhà đã nhanh chóng gọi taxi đưa ông B. vào khoa Khám Cấp cứu (BV ĐH Y Hà Nội) trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, hôn mê sâu, ngừng thở hoàn toàn, không bắt được mạch cảnh… BS. Hoàng Bùi Hải, khoa Khám Cấp cứu (BV ĐH Y Hà Nội) cho biết, ngay khi đến viện, BN được các bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn theo quy trình với các biện pháp ép tim, bóp bóng, tiêm thuốc Adrenalin, sốc điện. Sau 45 phút cấp cứu liên tục, tim BN đã đập trở lại, tuần hoàn tái lập, tuy nhiên BN vẫn không tỉnh, huyết áp đo được chỉ còn 70/30mmHg. Các bác sĩ tiếp tục cho BN thở máy qua nội khí quản, đồng thời tiến hành làm điện tim, men tim, siêu âm tim ngay tại giường cho BN. Kết quả cho thấy, BN ngừng tuần hoàn ngoại viện do nhồi máu cơ tim cấp.
BN được tiến hành siêu âm tim ngay tại giường. |
Nhận định đây là một ca bệnh khó, kíp cấp cứu tiếp tục tiến hành các biện pháp hồi sức tại giường cho BN, đặt máy thở, dùng các thuốc đặc hiệu, thuốc vận mạch, thuốc chống đông… và nhanh chóng tiến hành hội chẩn với các bác sĩ tim mạch can thiệp. TS. Nguyễn Lân Hiếu, Trung tâm Tim mạch cùng với kíp đã tiến hành chụp động mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân. TS. Hiếu cho biết: “Kết quả chụp động mạch vành cho thấy, BN tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, BN đã được nong động mạch vành, hút huyết khối và đặt một stent vào đoạn 2,3 của động mạch liên thất trước”.
Sau 8 ngày thở máy, BN được mở khí quản, tiếp tục dùng kháng sinh và các biện pháp hồi sức khác. Đến ngày 27/10, BN dừng dùng kháng sinh, bỏ thở máy, chỉ duy trì thở oxy qua mở khí quản, tiếp tục được điều trị hỗ trợ phục hồi chức năng, các thuốc tim mạch, chế độ dinh dưỡng ổn định. Gần một tháng sau, đến ngày 4/11, BN được rút ống mở khí quản, sức khỏe ổn định, trí nhớ tốt, giao tiếp tốt. BN có thể ra viện.
Các bác sĩ khẩn trương cấp cứu và hội chẩn đa chuyên khoa cấp cứu, tim mạch, hồi sức… cứu sống BN. |
Ca bệnh nhiều thách thức…
BS. Hoàng Bùi Hải cho biết: “Đây là trường hợp rất hi hữu, nếu không cấp cứu hết sức kịp thời và kiên trì “còn nước còn tát” thì khó có thể giành giật mạng sống cho BN. Hơn nữa, BN ngừng tuần hoàn ngoại viện liên quan đến nhồi máu cơ tim cấp trên nền có COPD không những được cứu sống mà còn không bị di chứng thần kinh nặng nề. Đây là điều khá đặc biệt, y văn thế giới cũng rất hiếm gặp. Mới đây, trên một tạp chí y khoa uy tín thế giới cũng có mô tả một trường hợp ngừng tuần hoàn được cứu sống nhưng là ca bệnh ngừng tuần hoàn ngay tại BV, khi BN đang được điều trị nội trú chứ không phải ngừng tuần hoàn ngoại viện như trường hợp của ông B.”.
TS. Nguyễn Lân Hiếu và kíp can thiệp mạch vành. |
Chia sẻ về quá trình điều trị cho BN, các bác sĩ cho hay, sau khi hồi sức tích cực liên tục 48 giờ đồng hồ, các bác sĩ quyết định cắt thuốc an thần để xác định tình trạng ý thức của BN. Điều lo sợ nhất là BN rơi vào tình trạng mất não (đây là điều thường thấy ở BN ngừng tuần hoàn) đã không xảy ra, BN B. vẫn duy trì được ý thức nhất định. Trong quá trình điều trị, BN bị viêm phổi bệnh viện… đặt ra nhiều thách thức trong điều trị cho các bác sĩ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. |
“Về mặt sinh lý, ngừng tuần hoàn trên 6 phút thì não tổn thương không hồi phục. Và cứ một trôi đi, nếu không được ép tim kịp thời, cơ hội sống sót của BN giảm đi 10%. Trường hợp BN được can thiệp cấp cứu kịp thời đúng quy trình mà tuần hoàn vẫn chưa được tái lập thì cơ hội sống sót cũng sẽ vẫn giảm đi 4%. Trong trường hợp này, BN sau khi mất ý thức đột ngột, ngã quỵ đã không được thực hiện bất cứ thao tác sơ cứu ban đầu nào và đưa thẳng đến BV bằng taxi trong khoảng thời gian khá lâu (15 phút). Như vậy, có thể nói tình trạng BN đã cận kề “cửa tử”, cơ hội sống sót giảm đi rất nhiều lần song vẫn cứu sống thành công là điều rất kỳ diệu…”- BS. Hải chia sẻ thêm.
Phòng bệnh và sơ cứu nhồi máu cơ tim cách nào?
Từ ca bệnh được cứu sống đặc biệt hi hữu này, các bác sĩ cũng đề xuất hệ thống cấp cứu ngoại viện cần được quan tâm hơn nữa. Cơ sở y tế muốn thực hiện cấp cứu tốt cần được hỗ trợ các trang thiết bị, chẩn đoán nhanh, xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim ngay tại giường, siêu âm tim tại giường... Bên cạnh đó là các biện pháp can thiệp, hồi sức sau can thiệp và phục hồi chức năng. Đặc biệt cần có sự phối hợp đa chuyên khoa cấp cứu, tim mạch, hồi sức, phục hồi chức năng...
Theo các bác sĩ, những người có tuổi hoặc những người có các bệnh lý mạn tính (như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu) nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên; cần được tư vấn chuyên khoa tim mạch, nội tiết về chế độ dùng thuốc, ăn uống, sinh hoạt (bỏ thuốc lá) để kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Nếu thấy xuất hiện các biểu hiện đau ngực, khó thở, ngất, khó chịu… cần đến các cơ sở y tế cấp cứu ngay.
Trường hợp đột nhiên thấy người mất ý thức đột ngột, gọi hỏi không biết, ngừng thở thì cần ép tim ngoài lồng ngực ngay cho đến lúc có người đến hỗ trợ. Gọi cấp cứu ngoại viện để được hướng dẫn và di chuyển bệnh nhân trong tình trạng an toàn đến cơ sở cấp cứu gần nhất, chứ không nên tự ý di chuyển bằng taxi vì điều này dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Dương Hải