Hà Nội

Cụ ông hút thuốc lá 50 năm phải cấp cứu vì tràn khí màng phổi

14-05-2019 09:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bác sĩ Dương Xuân Phương - Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, êkip phẫu thuật của Đơn vị vừa thực hiện phẫu thuật nội soi cắt kén khí phổi cho cụ ông 70 tuổi có tiền sử hút thuốc lá hơn 50 năm.

Bệnh nhân Trần Văn Khối (70 tuổi, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng khó thở mức độ nhiều, tím tái ngọn chi.

Bệnh nhân cho biết, đây là đầu tiên ông phải đi bệnh viện, bởi trước đây sức khỏe của ông tốt, ăn uống và sinh hoạt bình thường, không có biểu hiện gì. Trước thời gian vào viện khoảng 3 ngày, ông thấy xuất hiện đau tức ngực trái, ho nhiều, khó thở tăng dần. Cách lúc nhập viện vài tiếng, cơn khó thở của ông trở nên nặng đột ngột, da tím tái, vã mồ hôi.

Nhận thấy dấu hiệu không tốt nên gia đình đã đưa ông đến bệnh viện huyện Phù Ninh, được chụp phim cắt lớp lồng ngực, chẩn đoán: tràn khí khoang màng phổi trái mức độ nhiều và được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Qua thăm khám cho thấy, bệnh nhân tỉnh, phải ngồi để thở, da niêm mạc tím tái, thể trạng gầy yếu, đau tức ngực trái, khó thở nhiều, nhịp thở 38 lần/ phút, tím tái ngọn chi. Ho nhiều, tam chứng Galliard phổi trái, phổi phải nhiểu ran ẩm, ran nổ rải rác. Tim nhịp nhanh đều, T1 T2 rõ, bụng mềm, không chướng. Khai thác thông tin cho thấy, người bệnh có tiền sử hút thuốc lá hơn 50 năm.

Kết quả hình ảnh phim cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy hình ảnh tràn khí khoang màng phổi trái mức độ nhiều, chùm kén khí đỉnh phổi trái.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật dẫn lưu khoang màng phổi cấp cứu cho người bệnh, sau dẫn lưu người bệnh tỉnh, da niêm mạc hồng đỡ khó thở, tinh thần ổn định, dẫn lưu ra khí liên tục. Sau 5 ngày, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi vào khoang màng phổi trái thấy chùm kén khí ở thùy trên cùng nhiều kén nhỏ khác. Kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt chùm kén khí.

Theo các bác sĩ, kén khí phổi ở bệnh nhân Khối được hình thành tự phát thứ phát (người bệnh hút thuốc hơn 50 năm, giãn phế nang 2 phổi). Kén khí lớn dần, chèn ép làm xẹp nhu mô phổi. Khi kén khí vỡ, gây tràn khí màng phổi, chèn ép trung thất có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện, phẫu thuật kịp thời.

Trường hợp của bệnh nhân Khối được đưa đến viện kịp thời, chẩn đoán bệnh đúng và xử trí kịp thời đã giúp cho người bệnh đảm bảo được tính mạng an toàn.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân.

Qua trường hợp trên bác sĩ Phương chia sẻ: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của bệnh viện nói chung thì phẫu thuật nội soi lồng ngực cũng có những bước phát triển vượt bậc, có thể áp dụng cho hầu hết các bệnh lý của phổi mà có chỉ định phẫu thuật với nhiều ưu điểm so với mổ mở: vết mổ nhỏ thẩm mỹ, đau ít, hồi phục nhanh, giảm chi phí, rút ngắn thời gian điều trị, đồng thời có thể phẫu thuật trên những bệnh nhân cao tuổi, thể trạng gầy yếu (người bệnh Khối 70 tuổi, thể trạng yếu, nặng 37 kg là một minh chứng nói trên).

Ước tính trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học và khoảng 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh ung thư và các bệnh mạn tính.

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, dù không trực tiếp hút thuốc nhưng ngửi khói thuốc lá hay còn gọi là hút thuốc thụ động có thể gây ra nhiều bệnh ở trẻ em (như: Khối u não, bệnh tai giữa, ung thư máu...) và nhiều bệnh ở người trưởng thành (như: Ung thư vú, ung thư phổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ, ung thư xoang mũi...).

WHO ước tính, thuốc lá hiện đang gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động.

Các chuyên gia lưu ý, thuốc lá nguy hiểm giết người dưới mọi hình thức. Người hút thuốc chủ động, hút thuốc thụ động, bị ảnh hưởng bệnh tật lên toàn bộ cơ thể. Do đó, cần cai thuốc càng sớm càng tốt. Người dân nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, dù không trực tiếp hút thuốc nhưng việc gián tiếp hít phải khói thuốc cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Do đó, người dân nên tránh xa không khí ô nhiễm, nên ăn uống lành mạnh và vận động thể chất để nâng cao hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, có thể tầm soát ung thư phổi định kỳ, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm, người trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi… để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.


Nguyên Hoa
Ý kiến của bạn