Bác sĩ cập nhật tình hình điều trị 3 bệnh nhân COVID-19 nặng.
Cả 3 đều là nam, có bệnh nền tăng huyết áp, bội nhiễm thêm căn nguyên của các loại vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV- 2 khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng nhanh.
Các trường hợp này bao gồm:
- BN867: nam, 63 tuổi, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương;
- BN812: nam, 63 tuổi, tại cửa hàng số 106 Trần Thái Tông, nơi có ca 447 làm việc;
- BN793: nam, 58 tuổi ở Bắc Giang, là F1 trong gia đình có 4 ca COVID-19 được ghi nhận trước đó.
BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Phổi tổn thương đến 70%
Trường hợp nặng nhất là BN812. Hiện tại, chức năng phổi của người này đã tổn thương đến khoảng 70%.
Được biết, ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nặng, phải thở oxy và điều trị tại Khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân dần diễn tiến nặng hơn, có biểu hiện yếu cơ, mệt mỏi, suy hô hấp khi thở máy không xâm nhập. Người bệnh được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực đêm 12/8 và phải đặt ống thở máy.
"Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân tạm thời cắt sốt nhưng tình trạng vẫn rất nặng. Các chỉ số huyết động và oxy ở giới hạn bình thường, tuy nhiên cần hỗ trợ máy móc ở mức cao.
Các bác sĩ đang nỗ lực dùng kháng sinh và các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị, đồng thời hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân bởi máy móc"- BS. Phúc cho hay.
Với trường hợp BN867, BS. Phúc cho biết, bệnh nhân mới được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực hôm nay 14/8, sau 4 ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu. Bệnh nhân hiện có đáp ứng với biện pháp thở không xâm nhập, đã tạm thời cắt được sốt, tình trạng hô hấp cải thiện nhưng không nhiều. Chức năng phổi của bệnh nhân hiện đã bị tổn thương khoảng 60%.
BN793 cũng được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực trong ngày 14/8 với tình trạng nặng. Bệnh nhân bắt đầu có cơn sốt trở lại từ hôm qua.
"Hiện người này đang được hỗ trợ thở oxy mask và điều trị bằng kháng sinh và thuốc kháng virus, chức năng phổi tổn thương khoảng 60%"- BS. Phúc thông tin.
BN812 đang phải đặt ống thở máy, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.
Thêm bệnh nền và bội nhiễm vi khuẩn khác
BS. Phạm Văn Phúc nhấn mạnh, cả 3 bệnh nhân trên đều có điểm chung là bệnh nền tăng huyết áp và bội nhiễm thêm căn nguyên của các loại vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV- 2 khiến bệnh nhanh tiến triển nặng.
“Trong quá trình điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng, quan trọng nhất là hỗ trợ hô hấp để giúp họ vượt qua giai đoạn này” - BS. Phúc cho biết.
Chuyên gia hồi sức tích cực cũng nhấn mạnh, COVID-19 không chỉ gây tổn thương phổi mà còn gây tổn thương tất cả cơ quan nội tạng còn lại. Đặc biệt, bệnh nhân dễ gặp tình trạng máu tăng đông, có thể gây các vấn đề tim mạch như rối loạn nhịp, nhồi máu… dễ khiến bệnh nhân tử vong.
Chính vì vậy, các bác sĩ luôn theo dõi sát những trường hợp này 24/24 để có thể kịp thời cấp cứu nếu người bệnh diễn tiến xấu.
Hiện tại, tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 45 ca.
Các bệnh nhân được đánh giá là nguy hiểm nhất đó chính là trường hợp có bệnh lý nền nặng, đặc biệt đang chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo hơn 10 năm dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở cơ thể gia tăng.
Bên cạnh những bệnh lý nền và chạy thận nhân tạo thì những biến chứng như suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp tạo cơ hội cho virus xâm nhập cơ thể thì khả năng đáp ứng của bản thân đã bị đè nén và không thể phản ứng lại được với sự xâm nhập của virus.
Đây là cơ hội lớn để virus làm gia tăng những biến chứng của các bệnh lý nền của người bệnh. Trên thực tế đợt dịch này, mặc dù được sự hỗ trợ của các bác sĩ hồi sức, nhưng một số bệnh nhân đã tử vong vì những biến chứng đó.