Mới đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận bệnh nhân T.Q.B (78 tuổi, địa chỉ: P.Cam Giá – TP. Thái Nguyên) bị máy cưa cắt vào cẳng chân trái. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau, chảy máu, tê bì ngón chân, hạn chế vận động cẳng, bàn chân trái, không gấp ngón chân, gấp gan bàn chân và xoay trong bàn chân được.
Qua kiểm tra tại khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, vùng 1/3 dưới mặt trước trong cẳng chân trái có vết thương kích thước 8x3cm bờ mép nham nhở, máu phun thành tia qua vết thương, mạch chày sau chân trái không bắt được. Các bác sĩ đã xác định bệnh nhân bị đứt động mạch chày sau, đứt thần kinh chày, đứt cơ chày sau, cơ gấp ngón cái dài do cưa cắt giờ thứ 4.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu vi phẫu nối động mạch chày sau, nối thần kinh chày, khâu phục hồi cơ chày sau, cơ gấp ngón cái dài. Hậu phẫu, chân bệnh nhân hết sưng nề, tê bì, ngọn chi hồng ấm, cử động khôi phục, động mạch chày sau đập rõ, thần kinh chày tiến triển ổn định, gân cơ liền tốt, vết mổ kín đã cắt chỉ.
Theo TS.BS Lô Quang Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, cho biết: Vết thương và chấn thương động mạch chi là các cấp cứu ngoại khoa khá thường gặp. Bệnh cần được điều trị rất sớm, tốt nhất là trong 6 giờ đầu sau khi bị thương, cần được ưu tiên số 1 trong chẩn đoán, vận chuyển và xử lí, nếu để muộn sẽ gây di chứng ở chi, cắt cụt chi, thậm chí tử vong.
Theo BS.CKII. Nguyễn Huy Hoàng, khuyến cáo khi người bệnh gặp phải vết thương, chấn thương mạch máu cần nhanh chóng sơ cứu cầm máu và đưa ngay đến sơ sở y tế gần nhất, rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên sâu có khả năng phẫu thuật mạch máu. Các hộ gia đình có máy cắt nên cẩn thận trong khi sử dụng, bảo dưỡng máy thường xuyên, sử dụng thiết bị bảo hộ khi lao động để giảm nguy cơ tai nạn xảy ra đến mức thấp nhất.
Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.