Cơn mưa khiến con đường đất dẫn vào nhà lão thành cách mạng Phan Tố Đức (SN 1917, xóm Kim Tiến, Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) trơn như đổ mỡ. Gần 100 tuổi, con cái phương trưởng, công tác xa, cụ sống với người vợ thứ 2 trên mảnh đất hương hỏa ông cha để lại. Ở tuổi bách niên giai lão nhưng trí nhớ cụ vẫn còn khá minh mẫn. Cụ không giấu được niềm vui khi kể cho khách nghe về những đứa con, đứa cháu của mình. Cụ bảo, đời cụ theo Đảng, được học hành, dù chưa đến nơi đến chốn nhưng cụ tự hào bởi các con cháu giờ đã là thạc sỹ, tiến sỹ, giảng viên đại học tại các trường có uy tín.
Phan Tố Đức tham gia cách mạng từ sớm, từ những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước, khi đó Đảng Cộng sản Việt Nam đang hoạt động bán công khai. Sách báo tuyên truyền về chủ trương của Đảng được đưa về từng vùng quê. Khi đó, cậu học trò Đức đang học lớp Nhì đệ nhị thì phải nghỉ vì gia cảnh quá khó khăn. Được giác ngộ cách mạng, học trò Đức nhanh chóng trở thành hạt nhân trong phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng ở xã Võ Liệt.
“Ngày đó sách báo của Đảng đã được đưa về các làng quê. Chúng tôi có nhiệm vụ nhận sách báo rồi chia cho các tổ, nhóm đọc cho người dân nghe để biết về chủ trương lớn của Đảng. Rồi tham gia vận động người dân tham gia các “phường” như phường cấy, phường tiền… để đoàn kết, tập hợp lực lượng”, cụ Đức nhớ lại.
Cụ Phan Tố Đức tâm sự: "Thực ra ban đầu vẫn chưa hình dung được Đảng là gì? Đảng có vai trò như thế nào? Chỉ biết rằng, những việc Đảng đang vận động, đang thực hiện đều mang tới hạnh phúc, no ấm cho người dân, đặc biệt là dân cày. Vậy là theo thôi". Cái ngày cụ vào Đảng, cách đây cũng đến 76 năm trời nhưng cụ vẫn nhớ, bởi đó là thời khắc đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đời cụ: Ngày chàng trai Phan Tố Đức trở thành người của Đảng, đứng trong hàng ngũ của Đảng để thực hiện lý tưởng ‘’độc lập dân tộc, dân cày có ruộng’’…
“Tôi còn nhớ như in đó là ngày phiên chợ Rộ. Tôi nhận được tin nhắn của anh Miên (nhà gần chợ Rộ, là cơ sở bí mật của tổ chức Đảng – PV) lên có việc cần bàn. Đến nơi, đã thấy 4 người ở đó, trong đó có một đồng chí huyện ủy viên (sau này tôi mới biết). Chúng tôi phải bày các quân bài, tiền ra bàn như thể đang chơi đánh chắn để ngụy trang rồi bàn công việc. Đồng chí huyện ủy viên thông báo tình hình cách mạng ở các nơi và việc cần thiết phải thành lập một chi bộ Đảng ở Võ Liệt để lãnh đạo phong trào ở đây.
Trước tình hình thực tế, nhận thấy cần thiết phải có một tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào địa phương, cả 5 người chúng tôi đều nhất trí thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Võ Liệt. Buổi lễ đơn sơ nhưng không kém phần trang nghiêm.
Không có nghi thức chào cờ, đọc Quyết dịnh hay đọc lời tuyên thệ nhưng mỗi chúng tôi đều cảm thấy rưng rưng thiêng liêng xúc động, thấy rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp to lớn mà Đảng đang thực hiện và thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Tại buổi thành lập Chi bộ Đảng này, đồng chí Phan Văn Cớn được bầu làm Bí thư, tôi là Phó Bí thư phụ trách công tác tuyên truyền’’, cụ Phan Tố Đức nhớ lại.
Sau khi chi bộ Đảng xã Võ Liệt được thành lập, phong trào cách mạng ở Võ Liệt có bước chuyển biến mới. Tuy nhiên, khi phong trào đấu tranh đang lên thì Binh biến Đô Lương nổ ra (13/1/1941). Địch tăng cường khủng bố, vây ráp và đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị lộ, trong đó có Chi bộ Võ Liệt. Ông Phan Tố Đức cùng nhiều đồng chí bị bắt.
Người thanh niên Phan Tố Đức bị kết án 12 năm khổ sai và bị chuyến đến nhà lao Buôn Ma Thuột. “Từ lúc giam giữ ở Đồn Rạng đến nhà lao Vinh rồi đến nhà lao Buôn Ma Thuột địch tra tấn chúng tôi bằng đủ các ngón đòn nhằm buộc những người bị bắt khai ra các cơ sở, tổ chức Đảng. Vững một lòng tin vào Đảng, chúng tôi đều giữ khí tiết trước mọi đòn roi tra tấn của kẻ thù”, cụ Đức nhớ lại.
Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nhiều nhà lao được phá, nhiều nhà hoạt động cách mạng được thả, trong đó có Phan Tố Đức. Do tình hình thực tiễn, Phan Tố Đức ở lại Nha Trang tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1946, cụ thân sinh mất, Phan Tố Đức từ Nha Trang về Thanh Chương chịu tang cha. Với sự phân công của huyện ủy, Phan Tố Tâm nhận nhiệm vụ Phó bí thư đoàn thanh niên huyện rồi chuyển qua tòa án, sau đó phụ trách công tác tuyên truyền.
Năm 1947, Đại hội thanh niên tinh Nghệ An, Phan Tố Đức được bầu vào Ban chấp hành và công tác tại đây 2 nhiệm kỳ (2 năm) trước khi chuyển sang phòng liên lạc Miền Nam, phụ trách việc vận chuyển vũ khí, lương thực vào Nam. Sau đó ông được điều trở lại phụ trách công tác tuyên truyền của huyện Thanh Chương và đảm trách công việc này trong suốt 20 năm.
“Năm 1972, người vợ của tôi mất, để lại 7 đứa con, trong đó mới chỉ có đứa lớn nhất đi học đại học, 6 đứa còn lại còn nhỏ dại. Tôi quyết định xin nghỉ để thay vợ chăm sóc, nuôi dạy các con. Hiểu được hoàn cảnh của tôi, cấp trên đồng ý cho tôi nghỉ. Giờ ngẫm lại, tôi thấy quyết định ngày xưa là đúng. Nhờ có Đảng, tôi được đi học, dẫu không được nhiều nhưng dù ở đâu tôi cũng tự học, kể cả khi ở nhà lao.
Nhờ có Đảng, tôi được rèn luyện tư tưởng để trở thành một người Đảng viên góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc. Tôi trở về làm một ông nông dân, nhưng các con, các cháu của tôi đã nối tiếp con đường tôi đi và bảo ban nhau khắc phục khó khăn để học tập, rèn luyện. Với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất”, cụ Đức tự hào.
Tháng 9/2014, cụ Phan Tố Đức được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Tấm Huy hiệu được cụ cất giữ như báu vật, cho vào cặp số, khóa bằng mật khẩu hẳn hoi. Run run nâng tấm Huy hiệu trên tay, cụ bảo, đó là phần thưởng cao quý nhất và là niềm tự hào của mình. “76 năm đi theo Đảng, tôi tự hào là chưa bao giờ làm một điều gì có lỗi với Đảng, với nhân dân. Cả cuộc đời tôi đã thủy chung, trọn vẹn niềm tin với Đảng…”.
Tiễn khách về, cụ lại ngồi vào bộ bàn ghế đơn sơ kê trên thềm. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn cần mẫn đọc báo, xem sách. Cụ bảo, già rồi, không thể đi đâu xa khỏi ngôi nhà của mình, đôi mắt cũng mờ đi nhiều lắm, nên phải đọc để biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang phát triển như thế nào, đời sống nhân dân đã đổi thay ra sao…
Hoàng Lam