Cụ ông 91 tuổi vẫn "tám chuyện" bình thường trong lúc các bác sĩ phẫu thuật não

22-02-2019 09:22 | Camera bệnh viện

SKĐS - Từ khi vào phòng mổ đến khi hoàn thành ca phẫu thuật não, bệnh nhân trong tình trạng tỉnh táo, nói chuyện bình thường với các bác sĩ mà không chìm trong mê man, im lặng như nhiều người vẫn nghĩ.

Phẫu thuật não là một trong những phẫu thuật phức tạp và quyết định đến tính mạng của bệnh nhân ngay trên bàn phẫu thuật. Khi tưởng tượng về một ca phẫu thuật não thông thường chúng ta thường nghĩ đến phòng mổ lạnh lẽo, im ắng, căng thẳng, bệnh nhân trong tình trạng mê man và chỉ có tiếng động của dụng cụ phẫu thuật và tiếng trao đổi về ca phẫu thuật của bác sĩ.

Nhưng ngày 20/02/2019, tại một bệnh viện tuyến tỉnh, một ca phẫu thuật sọ não rất đặc biệt đã diễn ra, cụ ông P.V.Q, 91 tuổi (có địa chỉ tại Đoan Hùng – Phú Thọ) không những hoàn toàn tỉnh táo mà còn nói chuyện bình thường với các bác sĩ trong khi các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy máu tụ dưới màng cứng bán cầu hai bên.

Bệnh nhân đang được chăm sóc tích cực tại bệnh viện.

Cụ ông nhập viện phẫu thuật sau chấn thương vùng đầu do bị ngã cách ngày vào viện khoảng 1 tháng. Sau ngã, cụ xuất hiện đau đầu nhưng vẫn ăn uống và ngủ tốt nên gia đình không đưa cụ đến viện khám. Thời gian gần đây cụ yếu nửa người trái và đau đầu có tăng gia đình đưa cụ đến một bệnh viện ở Hùng Vương, Phú Thọ kiểm tra.

Bệnh nhân được chỉ định chụp CT đa dãy sọ não, kết quả cho thấy hình ảnh tụ máu dưới màng cứng bán cấp rộng hai bán cầu. Các tổn thương chèn ép nhu mô não và não thất đẩy lệch đường giữa sang phải 11mm; vỡ xương đỉnh phải.

Bệnh nhân và gia đình đã được bác sĩ tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe và tư vấn thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Các bác sĩ đã thực hiện gây tê tại chỗ vùng phẫu thuật nên bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong khi phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ nói chuyện bình thường với bệnh nhân và nắm rõ những phản ứng của người bệnh. Bác sĩ và bệnh nhân sẽ có sự hỗ trợ nhau trong quá trình phẫu thuật, giảm căng thẳng của người bệnh.

Từ khi vào phòng mổ đến khi hoàn thành ca phẫu thuật, bệnh nhân trong tình trạng tỉnh táo, nói chuyện bình thường và hiện tại đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

Kết quả chụp CT đa dãy sọ não của bệnh nhân.

Với phương pháp phẫu thuật này, bệnh nhân sẽ tránh được những biến chứng như rối loạn ngôn ngữ, liệt,…. do bác sĩ sẽ kiểm soát được những hành động và ngôn ngữ của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ giảm thiểu tối đa chi phí và thời gian của bệnh nhân khi phải điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung Ương.

Trước đó, phương pháp phẫu thuật thức tỉnh này cũng đã được các bác sĩ thuộc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức tiến hành.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được phẫu thuật bằng phương pháp này là một bệnh nhân nam, anh là một doanh nhân 36 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc u tế bào thần kinh đệm.

"Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân vẫn nói chuyện, trao đổi bình thường với bác sĩ. Đặc biệt, trong quá trình mổ bệnh nhân còn hát Quốc ca với tâm trạng hết sức thoải mái để quên đi thời gian”- PGS. Hệ cho hay.

Phương pháp phẫu thuật thức tỉnh là một phương pháp mà bệnh nhân tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật, phương pháp này thường được áp dụng ở các nước có nền y học phát triển, song tại Việt Nam đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kỹ thuật này. Trong quá trình mổ thức tỉnh, kíp mổ sẽ biết được vùng nào là vùng nhạy cảm của bệnh nhân thông qua giao tiếp để tránh xâm lấn vùng chức năng có thể gây tổn thương.

Đặc biệt, khi tiến hành mổ thức tỉnh sẽ giảm thiểu các di chứng của bệnh nhân trong phẫu thuật như liệt, rối loạn chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân - chuyên gia phẫu thuật thần kinh cho hay.

Dương Hải
Ý kiến của bạn