Cụ ông 100 tuổi gãy xương may mắn thoát nằm liệt giường nhờ kỹ thuật này

18-12-2018 15:23 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Chỉ trong một thời gian ngắn, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhân cao tuổi, trong đó có 1 bệnh nhân trên 100 tuổi bị gãy cổ xương đùi do té ngã. Các bệnh nhân này đều được thay khớp háng thành công tại Bệnh viện E, tránh tình trạng phải nằm liệt giường… chờ chết như trước kia.

Ông P. L (gần 100 tuổi, ở Nha Trang, Khánh Hòa) nhập viện trong tình trạng đau háng trái, gối trái nhiều khi cử động, không vận động được do bước hụt và bị ngã. Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang... các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình chẩn đoán bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi bên trái.

Cùng thời gian này, Khoa Chấn thương chỉnh hình cũng tiếp nhận 2 trường hợp: bà L.T.Th (101 tuổi, ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và bà L.T.N (98 tuổi, ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) đều cùng chung tình trạng gãy cổ xương đùi trái do té ngã.

Theo BSCKII. Kiều Quốc Hiền – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E khi nhập viện, các bệnh nhân cần phải được chụp X-quang hoặc CT để xác định mức độ gãy xương, từ đó các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng cho người bệnh.

BS. Hiền thăm khám cho bệnh nhân.

"Do đặc điểm sức khỏe của 3 bệnh nhân đều là người cao tuổi có các bệnh lý kèm theo như ông L. mắc bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và có bệnh lý tim mạch; bà N. mắc hội chứng rối loạn tiền đình, tăng huyết áp nhiều năm nay, nên thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, khiến bà Th đã bị ngã từ trên giường trên nền đất cứng; còn bà Th. vừa bị đái tháo đường, tăng huyết áp, vừa thoái hóa cột sống thắt lưng, xương xốp… Chính vì vậy, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã hội chẩn với ê kíp gây mê để chỉ định phẫu thuật thay khớp háng bán phần cho các bệnh nhân này"- BS. Hiền cho biết.

Ca mổ diễn ra trong vòng 45-60 phút, các bác sĩ loại bỏ phần cổ xương đùi bị gãy và thay vào đó bằng một khớp háng nhân tạo. Các bác sĩ sử dụng chuôi dài lớn chiếm hết phần xương xốp mới đủ độ vững của khớp, sau mổ người bệnh tì đè vận động sớm mà không bị đau đớn.

Hi vọng mới cho người bệnh

Theo BS. Hiền, do người cao tuổi thường bị loãng xương nên xương dễ gãy dù chấn thương nhẹ, kèm các bệnh lý huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… tạo nên thách thức lớn với bác sĩ trong phẫu thuật. Về mặt kỹ thuật, nếu bác sĩ phẫu thuật thay khớp háng không khéo léo sẽ khiến bệnh nhân đau đớn và không đi lại được.

Thêm nữa, việc thay khớp háng ở người lớn tuổi gần 100 tuổi, vấn đề gây mê hồi sức cũng rất được quan tâm vì có thể xảy ra nguy cơ trên bàn mổ bất cứ lúc nào… Tuy nhiên, hiện bệnh viện được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao thì phương pháp thay khớp háng nhân tạo đang mang lại nhiều hi vọng cho người cao tuổi.

Phẫu thuật thay khớp háng bán phần sẽ giúp cho bệnh nhân sớm vận động sau mổ.

BSCKII Kiều Quốc Hiền chia sẻ: Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, nếu không phẫu thuật thì có thể sẽ là gánh nặng cho gia đình do bệnh nhân chỉ nằm một chỗ, lâu ngày sẽ có thể dễ bị viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm loét da vùng tì đè. Việc quyết định phẫu thuật thay khớp háng bán phần sẽ giúp cho bệnh nhân sớm vận động sau mổ. Ngay sau người bệnh được tập vận động thụ động và 3 ngày sau phẫu thuật người bệnh có thể tập đứng được, người bệnh có thể tập phục hồi chức và có thể xuất viện sau 1 tuần và sẽ đi lại bình thường trong 1 tháng.

BSCKII Kiều Quốc Hiền khuyến cáo, tình trạng gãy vùng cổ xương đùi rất dễ xảy ra với người lớn tuổi do xương loãng, có thể chỉ sau 1 té ngã rất nhẹ. Gẫy vùng cổ xương đùi có nhiều biến chứng nguy hiểm như loét thối vùng tì đè, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi…, vì vậy cần phải được phẫu thuật sớm. Để phòng tránh gãy xương, người cao tuổi cần điều trị chống loãng xương tốt, khám định kỳ 6 tháng/lần, bổ sung canxi trong chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý, vận đông tập thể dục thường xuyên…

Trong trường hợp người cao tuổi bị gãy vùng cổ xương đùi thì cần tìm cách cố định vùng tổn thương, sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa cơ xương khớp để được cấp cứu kịp thời.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn