Hà Nội

Cụ ông 100 tuổi đột quỵ, bác sĩ chỉ dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này

11-11-2022 13:47 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Mới đây, cụ ông N.B.T, 100 tuổi (ở Bắc Ninh) bị đột quỵ đã may mắn thoát chết sau vài ngày điều trị. Theo các bác sĩ, không chỉ người già, ngày càng có nhiều người trẻ mắc đột quỵ, điều quan trọng là phát hiện sớm để đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời thì có thể hạn chế di chứng, tử vong.

Bệnh nhân N.B.T vào Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện TW Quân đội 108 trong tình trạng: Liệt gần hoàn toàn nửa người phải, nói khó, huyết áp tăng cao. Sau 15 phút kể từ khi bệnh nhân vào khoa cấp cứu, bệnh nhân đã được chụp xong CT và CT mạch máu não.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ 2 kể từ khi khởi phát, cân nhắc điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân quá cao tuổi, việc chỉ định điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết phải hết sức thận trọng do có nhiều nguy cơ biến chứng.

Sau khi hội chẩn ngay tại khoa cấp cứu, các bác sĩ trong nhóm cấp cứu đột quỵ của bệnh viện đã thống nhất sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân với liều thấp 0.6mg/kg thay vì liều tiêu chuẩn 0.9mg/kg để hạn chế biến chứng xuất huyết.

Bệnh nhân bắt đầu được tiêm thuốc chỉ sau 20 phút từ khi đến khoa cấp cứu. Sau tiêm thuốc 1 giờ, tay và chân bên phải của bệnh nhân đã có thể vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo, nói rõ hơn. Chụp kiểm tra lại sau 24 giờ, hình ảnh cắt lớp vi tính sọ não hoàn toàn bình thường.

Trải qua 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện trong trạng thái hồi phục hoàn toàn như trước khi bị đột quỵ trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Trong điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, các bệnh nhân trên 80 tuổi được xem là các đối tượng cần cân nhắc kĩ lưỡng bởi tỉ lệ biến chứng cao.
TS. Nguyễn Quang Lĩnh – Bệnh viện TW Quân đội 108

Dấu hiệu phát hiện sớm đột quỵ

Theo Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca, với hơn 6% trong số đó là người trẻ. Đây là con số đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội.

"Bệnh đột quỵ vô cùng nguy hiểm, bởi có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể thời gian, không gian nào. Có người bị đột quỵ khi đang đi máy bay, đang làm việc, hay đang chơi thể thao" - PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

BSCKII. Nguyễn Thành Trung - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông nhấn mạnh, di chứng của đột quỵ để lại nặng nề, vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị sớm sẽ giúp người bệnh được hồi phục, trở lại cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt trong mùa lạnh, nhiệt độ xuống thấp, nguy cơ đột quỵ não, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Do đó người dân cần cảnh giác khi thấy các dấu hiệu cảnh báo sớm cơn đột quỵ:

  1. Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
  2. Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
  3. Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
  4. Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

"Thời gian là não", các bệnh nhân đột quỵ đến viện càng sớm thì có cơ hội phục hồi càng tốt. Ngược lại, nếu lỡ "thời gian vàng" cấp cứu đột quỵ, người bệnh có thể tử vong hoặc có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề, khiến người bệnh tàn phế, liệt, nằm trên giường bệnh suốt đời.

Chính vì vậy, người dân cần hiểu rõ các triệu chứng khởi phát đột quỵ não như: Méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ... để khẩn trương đưa bệnh nhân tới các bệnh viện có khả năng cấp cứu và điều trị đột quỵ não", TS. Nguyễn Quang Lĩnh - Bệnh viện TW Quân đội 108 tư vấn thêm.

Cụ ông 100 tuổi đột quỵ, bác sĩ chỉ dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này - Ảnh 2.

Chú ý các dấu hiệu để nhận biết sớm cơn đột quỵ.

Cô gái từng bị đột quỵ, bi quan đã giảm cân và sống tích cực trở lạiCô gái từng bị đột quỵ, bi quan đã giảm cân và sống tích cực trở lại

SKĐS - Từng bi quan với cuộc sống khi số cân nặng vượt quá mức cho phép, chị Nguyễn Hồng Hải từng lo lắng khi cân nặng dư thừa quá lớn, khiến sức khỏe của chị gặp nguy hiểm. Chị từng bị đột quỵ và gặp nhiều bệnh lý như gout, tiền tiểu đường, u tuyến giáp, men gan cao....


Minh Đức
Ý kiến của bạn