- Tình trạng cán bộ các ban quản lý dự án tham nhũng, đặc biệt là các dự án lớn sử dụng vốn ODA như vụ các quan chức đường sắt Việt Nam nhận “lót tay” 11 tỉ đồng mà báo chí vừa đưa tin không phải là quá cá biệt- Hai Phiếm thở dài.
- Luật cạnh tranh của họ cấm ngặt vi phạm pháp luật để thu được lợi thế cạnh tranh, trong đó có việc hối lộ để nhận được hợp đồng, còn ở ta không có quy định này.
- Nhưng phát hiện chuyện nhận hối lộ quả là khó do thường chỉ có người đưa và người nhận biết với nhau.
- Ở các ban quản lý dự án lớn lại khác do đặc thù về tổ chức, quy chế hoạt động của ban quản lý với sự tham gia của khá nhiều người. Nghĩa là khả năng bị phát hiện cao hơn, đồng thời có thể khẳng định được rằng trưởng ban chắc chắn phải biết về những khoản hối lộ.
- Chả cứ các dự án lớn, vụ tiêu cực nào xảy ra cứ nẻ vị đứng đầu là xong !
- Tưởng ai làm nấy chịu!
- Ông ăn lương để quản lý mà xảy ra tiêu cực nghiêm trọng thì phải cách chức chứ gì nữa! Theo tôi nên có quy định, luật định buộc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cá nhân về mọi tiêu cực trong cơ quan kể cả hành vi nhận hối lộ của nhân viên cấp dưới. Ngoài ra, cũng cần có quy định miễn truy tố cho người tham gia nhận hối lộ nhưng chủ động khai báo.
- Ý bác định nói “kim chỉ có đầu”, cứ quản thật chặt vị đứng đầu là xong?
- Tất nhiên, chống tham nhũng, hối lộ là một việc hết sức khó khăn cần sự ủng hộ của toàn xã hội nhưng biện pháp cụ thể là vị đứng đầu phải chịu trách nhiệm cá nhân.
- Hy vọng thế sẽ giảm tham nhũng!
Cả Nghĩ