Hà Nội

Củ mã thầy mát, bổ, cầm máu

17-05-2018 07:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Để chữa sởi, ngay ngày đầu tiên, cho trẻ uống nước ép củ mã thầy. Khi sởi sắp mọc và cả sau khi sởi đã mọc, lấy mã thầy nấu với củ cà rốt và hạt mùi cho ăn đến khi sởi bay.

Củ mã thầy là tên gọi ở miền Bắc hoặc củ năn, củ năng ở miền Nam. So với các loại củ ăn mát như củ ấu, củ đậu thì mã thầy có giá trị sử dụng làm thực phẩm và làm thuốc cao hơn. Trong mã thầy, có 68,52% nước; 18,75% tinh bột; 2,25% protein, 0,19% lipid; đường; pectin; các muối calci, phospho, sắt; các vitamin A, B1, B2, C... và một hoạt chất gọi là puchiin có tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết ápphòng ngừa ung thư.

Trong dân gian, củ mã thầy thường được dùng để ăn chơi hoặc tráng miệng sau bữa ăn. Củ mềm, giòn, nhiều nước, vị ngọt. Nhiều người sử dụng mã thầy dưới dạng thức ăn - vị thuốc làm cho mát như lấy củ thái nhỏ, nấu với bột đậu xanh làm chè lục tàu xá hoặc hầm với dạ dày lợn để thanh nhiệt, bổ dưỡng, tiêu tích, giải độc và dùng dạng bột với tác dụng mát gan, dạ dày và ruột.

Mã thầy.

Ở Trung Quốc, người ta đã tổng kết cách chữa bệnh bằng mã thầy như sau: Hằng ngày, ăn củ tươi hoặc nghiền củ lấy nước uống (có thể phối hợp với nước ép rễ cỏ tranh hoặc ngó sen tươi) hoặc uống bột củ để giúp tiêu hóa, sinh tân dịch, chống háo khát, cầm máu, giải độc rượu, lợi tiểu. Mã thầy 1-2 củ, đốt, tán nhỏ, uống với rượu chữa băng huyết hoặc bôi để trị lở loét trong khoang miệng của trẻ em. Dịch ép củ mã thầy hòa với rượu (lượng bằng nhau) hâm nóng, uống vào lúc đói chữa kiết lỵ ra máu do nhiệt. Nước sắc củ mã thầy có đường làm tiểu tiện dễ dàng, giảm viêm nhiệt và nóng buốt; phối hợp với rau câu và râu ngô lại chữa tăng huyết áp. Mã thầy nấu với thịt rắn biển làm canh ăn rất tốt với tác dụng tiêu đờm.

Để chữa sởi, ngay ngày đầu tiên, cho trẻ uống nước ép củ mã thầy. Khi sởi sắp mọc và cả sau khi sởi đã mọc, lấy mã thầy nấu với củ cà rốt và hạt mùi cho ăn đến khi sởi bay. Tiếp đó vài ngày, uống nước củ mã thầy để tẩy độc và giúp cơ thể chóng hồi phục.

Dùng ngoài, củ mã thầy rửa sạch, giã nát, trộn với lòng trắng trứng đắp chữa mụn nước.

Ngoài củ, nhân dân còn có kinh nghiệm dùng thân cây mã thầy 10-20g, phối hợp với rễ cây lau (lô căn) 30g, để tươi, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, chữa phù toàn thân, tiểu tiện khó khăn, khát nước, táo bón.

Chú ý: Người tỳ thận hư hàn, trẻ em hay đái dầm, không được dùng mã thầy. Hơn nữa, vì mọc trong bùn, vỏ ngoài củ mã thầy dễ bị ấu trùng sán lá bám vào, nên phải rửa sạch củ và chần qua nước sôi, rồi mới gọt ăn.

DS. Hữu Bảo


Ý kiến của bạn