Hà Nội

Cứ hồi hộp, lo lắng, mồ hôi lại chảy thành giọt, khiến cô gái tự ti với 'bàn tay ma lạnh ngắt'

09-08-2022 14:04 | Y tế

SKĐS - Suốt thời đi học, lúc nào tôi cũng phải có giấy bên cạnh để lau mồ hôi tay mỗi khi chép bài. Đến khi đi làm, tôi không dám bắt tay đối tác, bạn bè vì bàn tay lúc nào cũng ẩm ướt, nhớp nháp. Điều này khiến tôi luôn tự ti... vì bàn tay lạnh ngắt.

Phải phẫu thuật 'tăng tiết mồ hôi tay' vì 'không thể chịu đựng nổi nữa'

Chị V.T.Y (30 tuổi, ở Thái Nguyên) mắc chứng tăng mồ hôi tay. Chị kể: "Suốt thời đi học, căn bệnh khiến tôi khó ghi chép hoặc làm bài kiểm tra do mồ hôi đổ ra làm ướt giấy, nhòe mực. Lúc nào tôi cũng phải có giấy bên cạnh để lau mồ hôi. Đến khi đi làm, tôi không dám bắt tay đối tác, bạn bè vì bàn tay lúc nào cũng ẩm ướt, nhớp nháp. Mồ hôi tay tiết ra nhiều hơn vào mùa hè hoặc khi tâm trạng hồi hộp, căng thẳng…".

Sống chung với bàn tay đổ mồ hôi thành giọt gây bất tiện kéo dài suốt 35 năm đã khiến chị Y. 'không thể chịu đựng được nữa' nên đã quyết định đến BV Việt Đức thăm khám. Sau khi có kết quả thăm khám, chị Y. đã quyết định phẫu thuật với mong muốn được giải thoát khỏi tình trạng 'tăng tiết mồ hôi tay'.

Cứ hồi hộp, lo lắng, mồ hôi lại chảy thành giọt, khiến cô gái tự ti với 'bàn tay ma lạnh ngắt' - Ảnh 1.

TS Dương Trọng Hiền thăm khám lại cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật tăng tiết mồ hôi tay

Ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, chỉ 1 ngày sau, sức khỏe của chị đã ổn định. Với bàn tay không còn cảm giác nhớp nháp, ướt nhoẹt đã khiến chị tự tin hơn.

Trước đó, cô gái trẻ 23 tuổi ở Vĩnh Phúc đến BV Việt Đức khám, do hai bàn tay cô luôn lạnh toát, lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi, thậm chí chảy thành giọt. Ngay cả vào mùa đông, tay cô cũng đổ mồ hôi, lạnh toát khiến cô luôn cảm giác tự ti.

Tại BV Việt Đức, các bác sĩ chẩn đoán cô bị đổ mồ hôi tay độ 3 và quyết định chữa tình trạng tăng tiết mồ hôi tay bằng phương pháp mổ nội soi ngực đốt hạch giao cảm.

Theo đó, chỉ với 2 đường vào rất nhỏ khoảng 5mm từ lồng ngực, các bác sĩ đã đưa được dụng cụ vào đánh giá các tạng trong lồng ngực, đồng thời xác định chính xác vị trí các hạch giao cảm để đốt, cắt.

"Ngay trong cuộc mổ, bác sĩ sẽ thấy ngay hiệu ứng khi hạch giao cảm được đốt, cắt. Đó là sờ bàn tay bệnh nhân ấm nóng, khô, khác hẳn đôi bàn tay lạnh toát, ẩm mồ hôi, thậm chí tay trơn trượt vì mồ hôi từng giọt ngay trước cuộc gây mê"- TS Dương Trọng Hiền - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi, BV Việt Đức thông tin.

Chuyên gia cũng cho biết thêm: Sờ hai tay bệnh nhân càng thấy sự khác biệt rõ này. Bên nào hạch được cắt, đốt xong thì tay khô, nóng ấm, trái ngược với bên còn lại. Hơn nữa, với hai lỗ nội soi rất nhỏ, chỉ khoảng 5mm, nên bệnh nhân chỉ sau một ngày đã được ra viện, trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường.

Ước khoảng từ 1-3% người dân mắc chứng tăng tiết mồ hôi ở các vùng khác nhau trên cơ thể 

Theo các bác sĩ cho biết, có thể có hơn 1 triệu tuyến mồ hôi, có tác dụng tham gia việc điều nhiệt của cơ thể. Nhờ mồ hôi, mà khi tăng nhiệt độ do chuyển hóa, vận động, cơ thể được điều nhiệt. Mồ hôi cũng giúp bảo vệ da, tăng độ ẩm, giữ cho da mềm mại.

TS Dương Trọng Hiền cho biết thêm, ước tính từ 1-3% người dân mắc chứng tăng tiết mồ hôi ở các vùng khác nhau trên cơ thể như: Bàn tay, bàn chân, nách... Độ tuổi người mắc đa dạng từ trẻ em tới người già.

"Tuyến mồ hôi do hệ thống thần kinh giao cảm kích thích, là phản ứng tự nhiên, cơ thể không thể tác động thông qua ý muốn. Các yếu tố như lo lắng, sợ hãi hoặc phản ứng của thuốc... sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm, kích thích tăng tiết mồ hôi. Thậm chí, có những trường hợp mồ hôi ra nhiều đến mức đọng thành giọt. Trên thực tế chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân như vậy", TS Dương Trọng Hiền lý giải.

Có hai nguyên nhân gây chứng tăng tiết mồ hôi là nguyên phát và thứ phát. Nhóm nguyên phát thường bị tiết mồ hôi đều hai bàn tay, ít nhất có một lần trong tuần bị ra mồ hôi rất nhiều gây ảnh hưởng khi dùng tay để làm việc hoặc gây ướt quần áo. Nhóm thứ phát là hệ quả của các bệnh như cường tuyến giáp, rối loạn hormone, suy thận, suy dinh dưỡng...

"Điều đáng nói, khi mồ hôi ra quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn có thể tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Như mồ hôi tiết ra nhiều ở nách sẽ gây mùi khó chịu, mồ hôi tiết ra nhiều ở tay dễ gây viêm, nấm da tay… Đây chính là lý do chứng tăng tiết mồ hôi cần được thăm khám và tư vấn điều trị"-TS Dương Trọng Hiền nói.

Cứ hồi hộp, lo lắng, mồ hôi lại chảy thành giọt, khiến cô gái tự ti với 'bàn tay ma lạnh ngắt' - Ảnh 3.

Một ca phẫu thuật nội soi chữa tăng tiết mồ hôi tay được thực hiện tại BV Việt Đức

Tại BV Việt Đức, trung mình mỗi ngày 10-12 bệnh nhân tăng tiết mồ hôi tới khám, nhưng chỉ 30% có chỉ định phẫu thuật nội soi (những trường hợp tăng tiết mồ hôi ở mức độ 3-4 sẽ có chỉ định can thiệp phẫu thuật đốt hạch giao cảm). Phương pháp này chỉ định cho người từ 15 tuổi trở lên.

Ca phẫu thuật thường mất khoảng một giờ đồng hồ. Về cơ bản tổn thương ở thành ngực, khoang màng phổi khi đốt, cắt hạch là tối thiểu, nguy cơ chảy máu, dò mạch huyết hầu như không có. Sau một ngày, bệnh nhân xuất viện, sinh hoạt bình thường; sau 2 tuần trở lại tập thể thao như trước đây.

Khoảng 40% bệnh nhân sau khi đốt hạch giao cảm có hiện tượng ra mồ hôi bù trừ ở vị trí khác, nhưng về cơ bản, người bệnh chấp nhận hiệu ứng phụ này vì đạt yêu cầu trong giao tiếp, công việc, giảm mùi khó chịu khi mồ hôi ra nhiều vùng tay, vùng nách.

Vào ngày 20/8 tới đây, BV Việt Đức sẽ tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh lý ra mồ hôi tay. Để tham gia chương trình, người dân có thể đăng ký qua tổng đài 19001902.

Sáng 9/8: Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng; Tại các tỉnh phía Nam, biến thể phụ BA.5 bắt đầu chiếm ưu thếSáng 9/8: Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng; Tại các tỉnh phía Nam, biến thể phụ BA.5 bắt đầu chiếm ưu thế

SKĐS - Gần 9,9 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi, hiện còn 78 F0 nặng đang thở oxy; Tại các tỉnh phía Nam, biến thể phụ BA.5 bắt đầu chiếm ưu thế; Ngành y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện các biến thể mới của COVID-19; Nguy cơ tiềm ẩn từ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ rất thấp so với lợi ích.


Thái Bình
Ý kiến của bạn