Cú hích nâng tầm văn hóa đọc và ngành xuất bản

09-09-2015 11:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sự kiện “Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần V năm 2015” do Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức, diễn ra từ 10 – 14/9 tại Hà Nội được giới chuyên môn...

Sự kiện “Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần V năm 2015” do Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức, diễn ra từ 10 – 14/9 tại Hà Nội được giới chuyên môn, công chúng kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao thói quen ham đọc sách của người dân. Đồng thời, sự kiện này có sự tham gia của nhiều đơn vị làm sách quốc tế, chúng ta sẽ tranh thủ và tự tạo cơ hội để giới thiệu những cuốn sách “made in Việt Nam” đến với thế giới.

Sôi động, đa sắc

Thực tế cho thấy, hoạt động xuất bản và văn hóa đọc sách của người dân nước ta nhiều lúc còn bộc lộ những hạn chế. Nhưng nhìn khách quan, hoạt động xuất bản nước ta vẫn diễn ra sôi động, có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển văn hóa đất nước nói chung. Đơn cử, sự nhanh nhạy của một số nhà xuất bản (NXB) và nhà sách tư nhân, nhiều tác phẩm của thế giới đã đến với người đọc ở Việt Nam, nhiều tác giả nổi tiếng thế giới Mark Levi, Eran Katz, Nick Vujicic...được mời đến Việt Nam tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm khi sách của họ xuất bản ở nước ta. Bên cạnh đó, một số nhà sách còn kết hợp với NXB chuyên ngành cho ra các đầu sách kinh điển, tinh hoa của thế giới... phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân. Do đó, thị trường sách Việt Nam luôn phong phú, đa dạng và phục vụ mọi đối tượng bạn đọc.

Hội chợ sách luôn là dịp nâng cao thói quen đọc sách và tạo điều kiện hội nhập quốc tế cho ngành xuất bản nước ta. Ảnh: H.Quỳnh

Ở khía cạnh văn hóa đọc sách của người dân, có thời điểm con số thống kê cho thấy, 1 người dân Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/năm. Song ở góc nhìn khác, qua rất nhiều hội chợ, triển lãm sách được tổ chức trong năm tại các địa phương, đặc biệt ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; ngày hội sách thường rơi vào tình trạng quá tải do người dân đến mua, xem và đọc sách quá đông. Cảnh người dân chen chúc đọc sách tại chỗ, “kẹp nách” hàng chục cuốn sách tại các hội chợ, triển lãm sách ở nước nhà không còn hiếm. Điều đó khẳng định, dù thế nào thì không ít người dân vẫn ham đọc sách, đam mê với sách và văn hóa đọc nước nhà vì thế vẫn trong tầm kiểm soát.

Tới “Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần V năm 2015”, Ban Tổ chức đang nỗ lực tối đa nhằm làm cho hoạt động xuất bản, văn hóa đọc nước nhà thêm phần khởi sắc. Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết, sự kiện này có 3 hoạt động chính: Triển lãm - Hội chợ - Tổ chức sự kiện với sự đa dạng, hấp dẫn. Theo đó, khu vực triển lãm sẽ trưng bày hơn 3.000 xuất bản phẩm theo chủ đề “Việt Nam phát triển và hội nhập” giới thiệu thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới. Cùng với đó, nhiều hiện vật, tư liệu quý hiếm liên quan đến sự hình thành, phát triển của sách gắn với hoạt động xuất bản của Việt Nam qua các thời kỳ cũng được đưa ra triển lãm. Tại khu vực hội chợ sẽ có 200 gian hàng của hơn 100 đơn vị xuất bản, phát hành trong và ngoài nước. Và khu vực tổ chức sự kiện sẽ có khoảng 30 hoạt động với 4 nhóm chủ đề: giới thiệu các xuất bản phẩm tiêu biểu của Việt Nam và quốc tế thời gian gần đây; xúc tiến trao đổi bản quyền trong hoạt động xuất bản giữa Việt Nam và các nước; giao lưu - tọa đàm theo các chuyên đề đa dạng và thiết thực; giới thiệu các di sản văn hóa của Việt Nam đã được thế giới công nhận...Và vì thế, “đây là cơ hội để đề cao giá trị văn hóa dân tộc, tinh thần hiếu học, thói quen ham đọc sách của người dân và nền văn hóa Việt Nam” - ông Chu Văn Hòa cho biết.

Và tương lai kết nối thế giới

Nhìn vào cách thức tổ chức, các hoạt động của “Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần V năm 2015”, nhiều người có quyền kỳ vọng về một tương lai “vươn cao và bay xa” của ngành xuất bản và văn hóa đọc nước nhà. Theo ông Chu Văn Hòa, ngoài việc đề cao giá trị văn hóa dân tộc, tinh thần hiếu học, thói quen ham đọc sách của người dân trong con mắt của bạn bè quốc tế, sự kiện này mở ra cơ hội, là con đường bền vững lâu dài để đưa những cuốn sách của Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Điều này hoàn toàn có cơ sở vì tham gia “Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần V năm 2015” không chỉ có các đơn vị sách, NXB trong nước mà còn có Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á; Viện sách Cuba cùng hàng chục NXB tên tuổi trên thế giới như Oxford University Press, Cambridge University Press, Harper Collins, Penguin Random House...Đại diện Cục Xuất bản - In và Phát hành cho biết, đơn vị này đã có những kế hoạch thực hiện việc dịch các tác phẩm nổi bật của Việt Nam ra các thứ tiếng (ngoại ngữ) cơ bản để giới thiệu với bạn bè năm châu. Với phương thức và cách làm này, dĩ nhiên cánh cửa để sách Việt Nam xuất ngoại sẽ rộng mở, đồng thời là kênh quảng bá, khẳng định nét đặc sắc văn hóa dân tộc với thế giới.

Dù sao cũng phải thừa nhận “Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam”  được tổ chức định kỳ 2 năm/lần và đâu đó để lại ít nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, để ngành xuất bản nước ta hội nhập toàn cầu thì việc tìm đến bạn bè quốc tế và tự thân mời họ đến với chúng ta vẫn là cách làm mang tầm vĩ mô nhất. Khi ấy “có nhiều người đọc sách, xã hội càng vững mạnh, nguyên khí quốc gia càng có lực” - ông Chu Văn Hòa khẳng định.

Quỳnh Phạm

 


Ý kiến của bạn