'Cú hích' đổi mới từ doanh nghiệp Dược đến khách hàng

23-09-2021 20:03 | Thị trường
google news

SKĐS - Có những việc mà nếu dịch COVID-19 không xảy ra thì không bao giờ doanh nghiệp (DN) nghĩ đến, cũng khó để thuyết phục khách hàng, đối tác “nghe theo”. Đại dịch đưa đến những khó khăn và cũng là thời điểm khiến DN Dược thay đổi…

Nhiều khó khăn bủa vây

Trao đổi với phóng viên, chị Lê Thị Vân Khánh - Giám đốc chi nhánh Miền Bắc của Công ty CP Dược phẩm SPM không ngần ngại chia sẻ tất cả những khó khăn mà DN của chị gặp phải.

Vốn cung cấp dược phẩm cho cả kênh bệnh viện và kênh nhà thuốc, khi người dân bị hạn chế đi lại, giãn cách là công ty lập tức bị ảnh hưởng theo. Không như nhiều người nghĩ rằng các công ty dược đều "ăn nên làm ra" khi xã hội "ốm đau".

Trái lại, sức tiêu thụ mặt hàng thực phẩm chức năng của công ty giảm đến 40%. Lý giải về điều này, chị Khánh cho biết bởi người dân ở nhà nhiều, họ có thời gian tự chăm sóc bản thân, chế biến những thực phẩm theo ý muốn hoặc ăn kiêng, tập thể dục… nên ít sử dụng đến các sản phẩm bổ trợ khác. Ngoài ra, lượng thuốc tiêu thụ tại các bệnh viện cũng giảm nhiều, do người dân ngại đi khám trong dịch. Điều này dẫn đến tổng doanh số của công ty giảm đến mức 2 con số.

Tuy vậy nhờ chuyển hướng từ sớm sang một số mặt hàng thực phẩm bổ trợ, viên hạ sốt nên doanh thu từ những mặt hàng này của công ty đã tăng rất cao, thậm chí "cháy hàng", đã bù đắp phần nào hao hụt chung.

“Cú hích” đổi mới từ doanh nghiệp Dược đến khách hàng   - Ảnh 1.

Nhiều dây chuyền sản xuất Dược vẫn hoạt động dù có nhiều khó khăn bủa vây

Ngoài sản phẩm, còn rất nhiều ảnh hưởng khác từ dịch mà công ty phải trải qua. "Ngay chính giám đốc của công ty là tôi cũng không được cấp giấy đi đường. Công an phường bảo chỉ cho duy nhất 1 thủ kho, 1 kế toán, 1 bảo vệ và 1 nhân viên quản lý chung. Tôi đành lựa chọn cho chính mình ngồi một chỗ" – chị Khánh kể về thời điểm khó khăn nhất của công ty.

Nguyên liệu đầu vào nhập về bị "đóng băng" hơn một tháng trời vì Bình Dương phong toả. Nhà máy sản xuất của công ty ở đúng tâm dịch là TP.HCM phải hoạt động "3 tại chỗ", chỉ còn 70-80 công nhân trên tổng số hơn 300 lao động được làm việc.

Chia sẻ thêm, chị Khánh cho biết: "Đáng ra đây là những mặt hàng chủ lực, có thể bù đắp hết thiệt hại của công ty ở thời điểm đó, thì không có nguyên liệu, không có nhân công, và cũng rất khó khăn để vận chuyển hàng đi các nơi. Công ty đành nhìn nhiều thời cơ trôi qua mà không làm gì được. Đây cũng là khó khăn chung của tất cả DN dược".  

Thử thách ấn tượng với nữ giám đốc trong thời điểm dịch là khan hiếm nguồn nguyên liệu hỗ trợ. Chỉ một vỏ sản phẩm ống nhựa đơn giản, cũng đủ làm đau đầu người quản lý.

"Chuỗi cung ứng về vỏ, nhãn sản phẩm trong miền Nam thông thường vô cùng chuyên nghiệp đầy đủ, sẵn có và giá rẻ. Nhưng trong dịch đã ngừng sản xuất đồng loạt, tôi phải đi tìm tới hàng chục xưởng sản xuất tại Hà Nội chỉ để cho ra cái hộp ống nhựa tạm thời chấp nhận được. Giá cả khá đắt, chưa kể phải vận chuyển vào Nam để đóng hộp trong nhà máy" – vị giám đốc trẻ nhớ lại.

"Online hoá" quy trình kinh doanh

Khi thành phố tiến hành giãn cách, vài tháng trời nhân viên kinh doanh của SMP không thể ra đường. Anh em đã nghĩ ra những giải pháp thay thế là tiến hành tất cả các hình thức chào mời, giới thiệu, trao đổi sản phẩm… "online".

"Anh em nhân viên kinh doanh của công ty cho biết thay vì đến tận nơi, họ thiết lập các kênh điện thoại, Zalo, Facebook… để tiếp tục duy trì công việc. Đó cũng là một giải pháp để DN mình có thể tồn tại được" – chị Khánh nói.

Họ tận dụng tất cả những mối quan hệ quen biết, mọi lời giới thiệu từ khách hàng, đối tác cũ… để thực hiện tiếp xúc với qua điện thoại. Trước kia, kênh online rất hạn chế được sử dụng. Gần 20 năm qua đã quá quen với cách làm truyền thống, toàn con người tương tác trực tiếp với nhau. Phía đối tác, khách hàng cũng quen theo kiểu đó. Nhân viên kinh doanh cầm catalogue đi đến tận nơi giới thiệu, khách cầm xem các mặt hàng, nhìn báo giá, nghe tư vấn và chọn lựa.

“Cú hích” đổi mới từ doanh nghiệp Dược đến khách hàng   - Ảnh 2.

Lượng tiêu thụ của nhiều DN Dược bị sụt giảm khi khách hạn chế ra đường như trước

Nhưng khi dịch xảy ra đã buộc đội ngũ kinh doanh phải thay đổi, nhà thuốc cũng buộc thích ứng cách làm mới "gián tiếp". Thậm chí ngay cả bệnh viện, những cơ sở rất nguyên tắc, chặt chẽ, thì giờ cũng "nới lỏng" chuyển đổi theo hướng giảm việc gặp trực tiếp.

Trước đây với các nhà thuốc bệnh viện, không bao giờ tiếp nhận việc gửi báo giá, hình ảnh qua Zalo, Facebook, hay đồng ý cho bên công ty kí trước, mỗi lần đưa hàng cần một sấp giấy tờ kèm theo. Nhưng trong dịch các dịch vụ chuyển phát nhanh cũng đều bị dừng, một số đối tác đã đồng ý cho công ty chỉ cần scan và gửi ảnh qua, sử dụng chữ kí số, điện tử, rất nhanh gọn, và vẫn đảm bảo.

 "Thậm chí từ đây, công ty còn đang tính đến hoàn thiện một phần mềm riêng để khách hàng có thể đặt hàng trực tiếp online. Bởi cú hích từ đại dịch cũng khiến khách hàng thay đổi thói quen mà trước kia rất khó áp dụng được" – chị Khánh nói thêm.

Ngoài ra, ngay từ đầu dịch năm ngoái, công ty đã nhanh nhạy đưa về dây chuyền sản xuất khẩu trang công nghệ cao, nhằm đáp ứng cả nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu, thêm đầu ra cho sản phẩm của công ty.   

Đây rõ ràng là những cải tiến mang đến hiệu quả không chỉ trong dịch. Một vài nét phác hoạ những khó khăn, những phản ứng linh hoạt từ công ty dược phẩm SPM phần nào thể hiện những thử thách với doanh nghiệp dược phẩm phải đối mặt. Nhưng bên cạnh những hỗ trợ từ Chính phủ như giảm thuế, tạo điều kiện lưu thông, hoãn các khoản thu… thì đại dịch cũng là cơ hội để chính DN thay đổi, mạnh mẽ đi lên từ nội lực, khắc phục những nội tại cả trong tư duy của bản thân, lẫn đối tác, khách hàng. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ" 

TP.HCM Sau Ngày 30/9: Đừng Nóng Vội Kẻo Hối Không Kịp! | SKĐS


Minh Thu
Ý kiến của bạn