Hà Nội

Củ hành gánh tội?!

25-01-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều người mù trong một thị xã bé nhỏ, già cả có, trẻ khỏe có. Hầu hết họ sinh sống trên địa bàn những xã có diện tích trồng hành lớn nhất.

Nhiều người mù trong một thị xã bé nhỏ, già cả có, trẻ khỏe có. Hầu hết họ sinh sống trên địa bàn những xã có diện tích trồng hành lớn nhất. Có khi một ấp 300 nóc nhà mà có đến hơn 100 người mù, có khi một gia đình Khmer lay lắt với 4-5 người mù. Họ lớn lên với củ hành, sáng mắt nhờ hành, mà tối mắt cũng vì hành.

Bao đời nay, hành vẫn là thứ cây trồng chính của người dân Vĩnh Châu.

Một ấp cứ 3 nhà lại có 1 người mù

Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng từ lâu đã được mệnh danh là “thủ phủ hành tím” của cả nước với hơn 5.000ha trồng hành, xuất ra thị trường cả trăm ngàn tấn mỗi năm. Hơn 5.000 hộ chuyên canh hành tím và hơn 2.000 hộ chuyên làm mướn cho các chủ trang trại. Xã ven biển Lạc Hòa là một trong những xã có diện tích trồng hành tím lớn nhất và cũng là xã có nhiều người mù nhất Vĩnh Châu. Ấp ven biển Đại Bái B chỉ có hơn 300 nóc nhà mà có đến hơn 100 người mù. Ông Lâm Tha là người phụ trách việc lập danh sách người mù của Đại Bái B để gửi đến các tổ chức từ thiện, ông vừa đưa ngón tay dăn deo, nâu sạm màu nắng dò danh sách người mù vừa nói: “Cứ 3 nhà lại có 1 người mù. Bà con vẫn đùa rằng ở đây, cứ ra ngõ là gặp người mù”.

Giọng ông Tha như lạc đi: “Đã xác định được nguyên nhân gây mù cho bà con đâu. Người thì bảo là do môi trường ô nhiễm, bà con dùng nước bẩn ở các ruộng hành tưới tiêu chảy xuống có trộn lẫn hóa chất, thuốc trừ sâu. Người lại bảo do vùng này nhiều bụi cát, lúc lao động bị bụi bay vào mắt, người dân không vệ sinh kỹ mà cứ lấy tay quệt làm rách giác mạc… Nhiều người thì đổ tội cho chất cay nồng của củ hành hoặc phấn bảo quản củ hành trộn với thuốc trừ sâu. Đấy là người ta nói thế, còn tôi, tôi cho rằng khả năng người mù do bị ảnh hưởng bởi phấn hành là cao nhất, vì hầu hết những người mù đều là bà con Khmer, họ không có đất sản xuất, thường xuyên đi làm mướn, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu”.

Rất nhiều người mù lòa đành hướng tới nương tựa tại Tịnh xá Ngọc Châu Như. Ảnh: TL

Không dè dặt như ông Lâm Tha, cán bộ xã Lạc Hòa khẳng định: “Số người mù ở địa phương ngày càng nhiều, bao nhiêu năm nay họ vẫn theo thói quen dùng chất độc mipcin có chứa hoạt chất methyl parathion làm phấn ủ củ hành. Dù chính quyền đã cấm sử dụng chất độc này làm chất bảo quản củ hành từ lâu nhưng người dân vẫn bất chấp vì cuộc mưu sinh, mà hậu quả thì chỉ đổ lên những người dân nghèo làm mướn”.

Không tin lắm vào việc bà con bị mù do phấn hành trộn thuốc trừ sâu bao lâu nay mà vẫn không sợ, tôi vào nhà bà Lâm Thị Trang ở Bưng Tum - xã Khánh Hòa đúng lúc bà Trang đang làm hành, vừa làm bà vừa giải thích: “Hành trồng 3 tháng thì được thu, phơi hành cho khô rồi đánh phấn cho sâu nó khỏi ăn, sau 2 tháng có trồng tiếp thì trồng mà bán thì bán. Một năm trồng 2 vụ, nhỏ trồng ra lớn rồi lớn lại trồng ra nhỏ. Đánh phấn là đánh thuốc trừ sâu ấy, pha thuốc trừ sâu với bột đất rồi đánh phấn cho hành, giữ hành dài dài thì trộn nhiều thuốc trừ sâu hơn là giữ trong thời gian ngắn, phải đánh phấn thế, độc thì cũng có biết, nhưng không đánh phấn thì chỉ một tuần là sâu nó ăn hết”.

Những phận người tím ngắt vì… hành tím

Bị mù một mắt từ khi mới 3 tuổi, còn một con mắt nên ông Huỳnh Văn Thành vẫn lao động được, ông cũng lập gia đình và sinh con. Nhưng khi người con trai lớn của ông lên 11 tuổi thì ông mù nốt cả con mắt còn lại. Mười bảy năm trước, người vốn đang bươn chải để chăm lo cho cả gia đình bỗng chỉ còn biết quanh quẩn từ nhà ra ngõ. “Chỉ mình vợ tui đi làm mướn, không đủ nuôi sống 5 miệng ăn chứ nói gì đến học hành cho các con, cả ba đứa nhỏ đều thất học, tụi nó cũng phải đi làm mướn thì khi còn nhỏ xíu…”. Sau này, khi nghe người lớn kể lại, ông Thành mới biết là một lần bố mẹ đi làm mướn, không có người trông nên đưa cả ông đi theo, ông ngồi nghịch phấn hành rồi đưa tay dụi mắt.

Bĩ cực chưa qua, tai họa lại ập đến. 10 năm sau, bà Phước vợ ông cũng không tránh được tai họa như chồng. “Một lần trộn phấn hành, tui đã để bụi phấn dính vào mắt, tối về nghe đau, xót, rồi sáng ra không còn nhìn thấy một bên. Gom góp đủ tiền xe đi bệnh viện, tui không tin vào tai mình khi nghe bác sĩ bảo phải bỏ đi một mắt để giữ con mắt còn lại”. Vài năm sau, lại đến lượt cô con dâu của ông bà chịu án mù cả 2 mắt khi mới 25 tuổi đầu.

Ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, nhà chị Nguyễn Thị Nhung (28 tuổi) chỉ có 3 người, không tấc đất cắm dùi, cả ba người phải đi ở nhờ và làm mướn. Bốn năm trước, khi mới 24 tuổi, chị bị nước bắn vào mắt khi đang đi làm hành thuê, chị ra giếng vã nước lã vào mắt rồi lại vào làm. 2 ngày sau, mắt chị sưng tấy, đau nhức. Mấy ngày sau nữa thì mắt phải của chị gần như không còn trông thấy gì, cùng lúc ấy, mắt trái cũng lại đau nhức. Bạn bè, hàng xóm gom góp lại cho chị được ít tiền để lên thành phố điều trị. Ở viện được 2 ngày thì chị trốn về vì tiền đã hết. Bây giờ thì cả hai mắt chị đã vĩnh viễn mù.

Tịnh xá Ngọc Châu Như ở xã Vĩnh Châu nhiều năm nay đã là nơi nương tựa của rất nhiều người mù lòa. Ni sư trụ trì Như Huệ thở dài thườn thượt: “Hơn 1.500 người mù ở thị xã thì có khoảng 300 người mù hoàn toàn, còn lại là những người bị múc bỏ một mắt, rồi bị mờ mắt. Đấy là con số ban đầu ghi nhận được thôi, chứ thực tế thì còn hơn nữa…”.

“Nếu không đánh phấn hành bằng thuốc trừ sâu, chỉ một tuần là sâu đã ăn hết hành”.

Oan cho… củ hành

“Thị xã ven biển Vĩnh Châu trước không có đường sá như bây giờ. Xe chạy, cát bay mù mịt, người dân cũng chẳng có mũ bảo hiểm, kính mát gì cả. Cát, bụi bay vào mắt thì cứ lấy tay mà quệt vào mắt. Giác mạc của mắt rất mỏng nên dễ bị rách dẫn đến ngứa. Đã ngứa thì cứ dụi hoài thành thử mắt dễ bị thương tổn. Khi mắt bị đau, họ cứ mua thuốc về nhỏ, vô tình làm cho giác mạc bị tổn thương. Chính vì người dân không am hiểu về giữ gìn vệ sinh cho mắt nên dẫn đến tình trạng bị mù mắt nhiều hơn các địa phương khác. Còn chất bảo quản hành tím có thể không phải là nguyên nhân dẫn đến mù mắt. Ngay tại Lạc Hòa, nhiều gia đình 3 đời làm nghề trồng hành tím chẳng có ai bị mù cả. Nhưng có gia đình chưa bao giờ làm gì liên quan đến hành tím thì lại bị mù đến 2 người” - ông Lâm Âu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lạc Hòa phân tích.

Cùng quan điểm với ông Lâm Âu, ni sư Như Huệ khẳng định nếu đổ lỗi mọi sự do phấn hành hay do củ hành là không đúng: “Mùa thu hoạch hành là thời điểm mà Vĩnh Châu có nhiều người bị các chứng bệnh về mắt nhất. Phấn hành độc hại là vậy nhưng người trồng hành ở Vĩnh Châu thờ ơ, xem nhẹ sự nguy hiểm của nó. Khi vào phấn hành, họ chẳng dùng bất kỳ biện pháp phòng tránh nào. Hành được vào phấn rồi, người ta chất đầy trong nhà, cùng ăn cùng ở với hóa chất độc hại. Sẽ chẳng có quá nhiều người bị mù lòa nếu như khi bị phấn hành, hóa chất xộc vào mắt mà được chữa trị kịp thời, đúng cách”.

Tôi kể trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhung, lúc mắt phải của chị đau nhức, mẹ chị - bà Sơn Thị Quýt chẳng biết nghe ai mà lấy trứng gà đắp vào mắt con gái, ni sư Như Huệ bảo bà không bất ngờ vì cách chữa ấy vì “bà con ở đây, cứ mắt ngứa, mắt đau, vậy là họ tự chữa. Họ tìm hái một số loại cây lá theo mách bảo truyền miệng, giã nát rồi dùng chiếc khăn mà mình vẫn quấn đầu, lau mồ hôi hằng ngày mà vắt lên mắt, để lá cây thuốc dập nhỏ lên trên. Đang bị tổn thương, nay bị đắp thuốc với chiếc khăn mất vệ sinh nên mắt chóng lành đâu không thấy, chỉ thấy biến chứng càng thêm nguy kịch và hậu quả dẫn đến cảnh mù. Vì ít kiến thức, vì ý thức kém nên làm khổ cho chính mình và người thân”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của y tế thị xã Vĩnh Châu, hiện nay, toàn thị xã có hơn 1.500 người bị mù không phải do bẩm sinh, còn 10 năm trước, con số này lên đến 2.900 người.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng hàm mặt Cần Thơ khẳng định, các loại hóa chất trừ sâu, trừ mối như DDT hay Mipcin (chứa methyl parathion) đều độc hại và không thể sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Khi con người tiếp xúc với các loại hóa chất này có thể bị xâm nhiễm qua da, nếu bay vào mắt hoặc dùng tay dính các chất này dụi vào mắt sẽ dẫn đến viêm giác mạc, gây loét giác mạc nhiễm trùng và mù mắt.

Bài, ảnh: Hoài An

 

 


Ý kiến của bạn