Củ gấu - thuốc hành khí, khai uất

SKĐS - Củ gấu còn gọi hương phụ, cỏ sú,... Tên khoa học: Cyperus rotundus L., họ Cói (Cyperaceae).

Loài hương phụ sống ở bãi cát ven biển có tên: củ gấu biển hay hải hương phụ (Cyperus stoloniferus Vahl.). Dân gian có câu “Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ” để thấy vai trò chữa bệnh của hương phụ với phụ nữ.

Bộ phận dùng là thân rễ phình ra thành củ. Sau khi thu hoạch, để khô hay phơi cho phần thân khí sinh và rễ nhỏ khô; sau đó đốt cho cháy phần thân khí sinh và rễ con, lấy những củ còn lại. Hương phụ chứa tinh dầu, flavonoid, tanin, acid phenol, alcaloid, glycosid tim, pectin, tinh bột... và chất đắng.

Theo Đông y, hương phụ vị cay, hơi đắng, ngọt; tính bình. Vào kinh can và tam tiêu. Tác dụng thông lợi gan, lý khí, khai uất điều kinh, giảm đau; kiện vị. Dùng cho các trường hợp đau tức vùng ngực bụng và khoảng liên sườn, đầy trướng, không tiêu, ợ hơi, kinh nguyệt không đều. Hương phụ là vị thuốc thường được chế biến với nhiều phụ liệu: chế với rượu, giấm, muối, nước tiểu trẻ em gọi là tứ chế; nếu thêm nước gừng, nước gạo, nước cam thảo gọi là thất chế. Ngày dùng 6-12g dược liệu khô.

Củ gấu (hương phụ) tác dụng khai uất điều kinh giảm đau; trị đau tức vùng ngực bụng, không tiêu, kinh nguyệt không đều...

Củ gấu (hương phụ) tác dụng khai uất điều kinh giảm đau; trị đau tức vùng ngực bụng, không tiêu, kinh nguyệt không đều...

Cách dùng hương phụ làm thuốc:

Hành khí, giảm đau: Dùng khi dạ dày, sườn bụng đau do khí trệ, nhất là ngực sườn đầy tức, khó chịu do khí trệ, gan uất gây nên.

Bài 1 - Thang Tiểu ô trầm: hương phụ 8g, ô dược 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị ngực bụng trướng đau, bệnh về chức năng thần kinh dạ dày.

Bài 2 - Hoàn lương phụ: hương phụ 12g, cao lương khương 12g. Sắc uống. Trị dạ dày hàn khí.

Bài 3: hương phụ 12g, diên hồ sách 8g. Sắc uống. Trị ngực sườn trướng đau.

Khai uất, điều kinh:

Bài 1 - Hoàn hương phụ chế: hương phụ chia làm 4 phần, ngâm riêng mỗi phần với muối, dấm, rượu, nước tiểu trẻ em. Sao khô, nghiền thành bột mịn làm hoàn. Trị kinh nguyệt không đều do tinh thần uất ức, đau bụng dưới khi có kinh, vú chướng đau.

Bài 2: hương phụ tứ chế 20g, lá ngải 20g, trần bì 20g, nguyệt quý hoa 2 đóa. Sắc uống. Trị đau bụng kinh.

Bài 3: hương phụ tứ chế 30g, ích mẫu thảo 12g. Sắc uống. Trị đau bụng kinh.

Kiện vị, tiêu thực: Trị tỳ vị hư nhược, tiêu hóa không tốt gây các chứng nôn, tiêu chảy, bụng trướng đau. Dùng Thang hương sa dưỡng vị: hương phụ 8g, sa nhân 4g, mộc hương 6g, hậu phác 12g, hoắc hương 8g, bạch truật 12g, trần bì 12g, phục linh 12g, bán hạ 12g, cam thảo 4g, gừng sống 12g, đại táo 5 quả. Sắc uống.

Món ăn thuốc có hương phụ:

Canh bí đao hương phụ: bí đao 500g, hương phụ 12g. Bí đao gọt vỏ thái lát, cùng hương phụ đem nấu canh, thêm gia vị thích hợp. Ăn ngày 1 lần, liên tục 5 - 10 ngày. Dùng cho thai phụ bị nhiễm độc thai nghén, phù nề.

Thịt bò hầm ngải cứu hương phụ: thịt bò 250g, ngải cứu 12g, diên hồ sách 12g, hương phụ 10g. Thịt bò làm sạch thái lát. Ba thứ dược liệu cho vào túi vải xô; thêm gừng tươi 20g gọt vỏ ngoài, đập giập. Tất cả thịt và dược liệu cho vào nồi, thêm nước, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, bỏ túi bã thuốc, thêm gia vị thích hợp. Ăn trong ngày, liên tục trong 5-7 ngày. Dùng tốt cho chị em bị rối loạn kinh nguyệt, kinh kéo dài 5-7 ngày hoặc 10 ngày sau kỳ, lượng ít, đau quặn vùng tiểu khung.

Rượu hương phụ: hương phụ chế 30g, rượu trắng 500ml, ngâm trong 7 ngày, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 30ml. Trị đau tức khoảng liên sườn, vùng chậu hông (can uất lặc thống, thiểu phúc thống).

Hương phụ tán: hương phụ sao qua tán mịn, mỗi lần uống 6g, uống với nước cháo hoặc nước hồ nếp. Dùng cho phụ nữ bị rong kinh, trĩ bị chảy máu rỉ rả.

Hương phụ tán uống với hải tảo và rượu nóng: hương phụ 6g, hải tảo 3g, Hương phụ tán mịn cho trong rượu để nóng trên bếp. Cho uống hương phụ tán và ăn hải tảo. Dùng cho các trường hợp đầy bụng chướng hơi bán tắc.

Kiêng kỵ: Người âm hư huyết nhiệt cần thận trọng.


BS. Tiểu Lan
Ý kiến của bạn