Hà Nội

Cứ đói bụng là đau đầu, có phải là bệnh?

27-03-2022 11:48 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Đau đầu là một triệu chứng dễ gặp khi bạn bị đói. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Vậy, nguyên nhân là gì và cách xử trí thế nào?

Khi bị đói, bạn có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, xảy ra ở cả hai bên đầu. Bạn có thể cảm thấy nó ở thái dương hoặc sau đầu và cổ.

1. Tại sao khi đói lại đau đầu?

Đau đầu khi đói gây ra cảm giác co bóp hoặc rung động, chứ không phải là đau nhói. Cơn đau thường nhẹ hoặc vừa phải. Và chúng thường sẽ hết trong vòng 72 giờ hoặc sớm hơn sau khi ăn.

Nguyên nhân thứ nhất gây đau đầu khi đói là do đường huyết thấp, còn được gọi là hạ đường huyết.

Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong cơ thể ở mức 70mg/dL hoặc thấp hơn gây các các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, run rẩy và lú lẫn.

Hạ đường huyết thường xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên có lượng đường trong máu thấp không có nghĩa là bạn mắc bệnh đái tháo đường. Những người bị hạ đường huyết không mắc bệnh đái tháo đường thường được khuyến cáo không nên để bụng đói quá 3 giờ giữa các bữa ăn.

Nghiên cứu đã chứng minh, những người bị hạ đường huyết khi đói thường đau đầu nhiều hơn so với những người đói nhưng không bị hạ đường huyết.

Đau đầu khi đói, phải làm sao? - Ảnh 2.

Người bị hạ đường huyết thường bị đói và đau đầu.

Nguyên nhân thứ 2 là do cơ thể bị mất nước. Nước cần thiết cho cơ thể để thực hiện các chức năng cơ bản như sự trao đổi chất của tế bào. Nó cũng giúp cơ thể xử lý thức ăn bằng cách đóng góp vào chu trình năng lượng cần thiết để duy trì các chức năng cơ bản.

Khi cơ thể không thực hiện các chức năng cơ bản ở mức tối ưu, nó sẽ bắt đầu bảo tồn năng lượng. Điều này có thể dẫn đến co thắt (thu hẹp) các mạch máu, có thể dẫn đến đau đầu.

Nguyên nhân thứ 3 có thể gặp ở những người sử dụng caffeine thường xuyên dẫn đến sự giãn nở (mở rộng) của các mạch máu. Khi cơ thể không nhận được lượng caffein quen dùng, các mạch máu có thể co lại và dẫn đến đau đầu. Sự gián đoạn trong lượng caffeine nếu bạn thường xuyên uống từ hai tách cà phê trở lên mỗi ngày có thể dẫn đến loại đau đầu này.

2. Xử trí cơn đau đầu khi đói

Quy tắc 15 -15 hướng dẫn bạn nên tiêu thụ 15 gam (g) carbohydrate khi lượng đường trong máu của bạn giảm xuống dưới 70 mg / dL và kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 phút. Nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn thấp, bạn lặp lại quá trình.

Các chuyên gia y tế thường khuyên bạn nên điều trị lượng đường trong máu thấp nhẹ bằng cách tuân theo quy tắc 15, còn được gọi là quy tắc 15-15. Ăn hoặc uống 15g carbohydrate (1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh sirô, 1 muỗng canh mật ong, ½ nước cốc nước cam, 1 cốc sữa không béo…).

- Nếu lượng đường trong máu của bạn thường xuyên thấp, bạn nên chú ý luôn mang theo đồ ăn nhẹ lành mạnh bên mình và áp dụng quy tắc 15-15 để đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường khi nó xuống thấp.

- Đối với trường hợp đau đầu do mất nước, cách đối phó là tăng cường uống nước để bù lại lượng nước bị mất.

- Nếu đau đầu do bị gián đoạn tiêu thụ caffeine, điều quan trọng là phải uống đủ nước và giảm lượng caffeine hằng ngày. Bạn cũng có thể thử uống đồ uống có hàm lượng caffeine thấp hơn như trà.

Đau đầu khi đói, phải làm sao? - Ảnh 4.

Nước cam rất tốt cho người bị đau đầu do hạ đường huyết.

3. Một số cách đơn giản phòng ngừa đau đầu khi đói

3.1. Ăn đủ bữa

Một cách đơn giản có thể giữ cho lượng đường trong máu của bạn ở mức ổn định, giúp ngăn ngừa cơn đau đầu do đói là hãy ăn đầy đủ các bữa ăn trong ngày, không bỏ bữa và ăn đúng giờ.

Ngoài ra, nên áp dụng ăn các bữa nhỏ bằng các bữa ăn nhẹ với thực phẩm lành mạnh như trái cây, sữa chua, các loại hạt…

3.2. Uống đủ nước

Bạn cần uống đủ nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày đối với người trưởng thành. Nên mang theo nước bên mình, không nên đợi đến khi khát mới uống.

Cần lưu ý không nên uống quá nhiều cà phê và các loại trà có caffeine có thể gây tác dụng ngược vì chúng hoạt động như thuốc lợi tiểu, có thể khiến cơ thể mất nước hoặc khiến bạn phụ thuộc vào nó, khi không uống có thể bị đau đầu.

3.3. Ăn nhiều thực phẩm giàu protein hơn

Thực phẩm giàu protein không chỉ có lợi cho sức khỏe và cơ bắp mà nó còn là một thành phần quan trọng để có được dinh dưỡng tốt.

Ăn nhiều protein hơn cũng sẽ giúp bạn ít đói hơn. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ ngăn ngừa được cơn đau đầu do đói.

Đau đầu khi đói, phải làm sao? - Ảnh 5.

Ăn thực phẩm giàu protein giúp ngăn ngừa cơn đau đầu do đói.

3.4. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa đường tinh luyện và hàm lượng chất phụ gia cao có thể khiến bạn không kiểm soát được lượng đường trong máu.

Một số loại thực phẩm có chứa chất bảo quản hoặc nitrat cũng có thể dẫn đến đau đầu. Chất làm ngọt nhân tạo như những chất có trong nước sô-đa ăn kiêng cũng có thể là tác nhân gây đau đầu nên chúng ta cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm này.

Đau đầu khi đói có thể ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả công việc. Tuy nhiên, những cơn đau đầu này có thể phòng ngừa được khi bạn có kế hoạch trước bằng cách ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước và giảm lượng caffeine. Mặc dù có thể mất một thời gian để làm quen, nhưng điều này hoàn toàn không khó và có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu đã thực hiện những biện pháp này mà tình trạng đau đầu không cải thiện, đó có thể là một tình trạng bệnh lý, bạn cần đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Đau dạ dày hậu COVID-19, chú ý 4 nguyên tắc dinh dưỡng này để ngừa cơn đau trầm trọngĐau dạ dày hậu COVID-19, chú ý 4 nguyên tắc dinh dưỡng này để ngừa cơn đau trầm trọng

SKĐS - Cảm giác khó chịu ở dạ dày là một trong những biểu hiện dễ gặp ở người mắc COVID-19. Thậm chí sau khi âm tính, cảm giác này vẫn còn dai dẳng hoặc tái phát cơn đau ở những người có tiền sử viêm loét dạ dày. Vậy phải làm gì để kiểm soát tình trạng này?

Xem thêm video đang được quan tâm

Hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ: Đi khám hay tự chữa?


Thu Vân
Ý kiến của bạn