Chung cư không đường, không nước, không an toàn cháy nổ
Dù đã có hướng dẫn của một gia chủ và cả trợ giúp của google map, quả thực là chẳng ai tìm được con đường nào “chính quy” để có thể dẫn đến các tòa chung cư Ecolife Tây Hồ (trên giấy tờ là khu nhà ở cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tại khu đô thị Tây Hồ Tây - thuộc phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) hiện hữu lù lù trên bản đồ. Phải mất vài lần đi nhầm, phóng viên mới tìm được đầu vào chung cư là một cái ngõ “xấu xấu bẩn bẩn” từ đường Võ Chí Công (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội). Con ngõ này kéo dài khoảng 300-400m và chỗ rộng nhất chỉ đủ cho 2 xe ôtô tránh nhau một cách khó khăn. Trời vừa lâm thâm mưa, lập tức đã biến con đường đất tạm bợ này thành một bãi lầy mấp mô, trơn trượt không khác gì đường đi vào một huyện vùng xa. Một bên đường là các dãy nhà mái tôn của người dân, bên kia là con mương dẫn nước thải bốc mùi xú uế nồng nặc, “trang trí” thêm những bao rác thải chồng chất chạy dài cả dọc, chẳng có rào chắn. Ấy vậy mà dòng xe cộ qua lại đây khá tấp nập, ngoài các xe tải gạch, xe trộn bê tông là những xe máy, ôtô của người dân chung cư Ecolife Tây Hồ không còn lựa chọn khác. Đoạn hẹp nhất chỉ đủ cho 1 xe ôtô đi qua, người ta phải tránh nhau từ xa. Theo một số người dân xung quanh và cả cư dân chung cư “cao cấp” này thì việc những phụ nữ đi xe máy tay lái yếu ngã xoành xoạch là “cơm bữa”, cũng chẳng hiếm xe ôtô bị đổ nghiêng xuống mương phải gọi xe cẩu cứu hộ.
Dưới tầng hầm nhà xe chung cư này có rất nhiều ôtô bám đầy bụi mờ, bằng chứng của việc chủ xe không dám đi lại thường xuyên vì quá hoảng với con đường này. Anh P.C - chủ hộ ở tòa B Ecolife Tây Hồ cho biết, anh đã phải ngậm ngùi bán xe chỉ sau vài lần thử “cảm giác mạnh” trên con đường này. Một người bạn anh thuê căn hộ ở thử đã phải gửi xe ôtô tận ngoài đường Võ Chí Công và giờ gia đình anh này cũng phải chuyển nơi khác sau khi trải nghiệm ít ngày.
Một chiếc ôtô của cư dân đã lao xuống mương nước trên con đường độc đạo lầy lội dẫn tới Chung cư Ecolife Tây Hồ.
Nỗi bức xúc về đường chưa lắng thì vài tháng nay, khu nhà này lại nổi sóng vì khủng hoảng nước sạch. Nguyên do đơn giản là đường nước chính thức của Ecolife Tây Hồ cũng chưa có mà chỉ là một đường nước nhỏ đấu nối “nhờ” qua hệ thống nước của Tòa nhà Cán bộ Học viện Bộ Quốc phòng do Công ty CP Đầu tư Bất động sản BQP quản lý. Nghĩa là khi và chỉ khi tòa nhà này đủ nhu cầu thì mới đến lượt cư dân Ecolife sử dụng. Ban đầu nước tạm đủ, khi số hộ dân vào ở tăng lên gần đây đã dẫn tới nguồn nước cạn kiệt. Cư dân phải thức trắng đêm hứng nước vào những giờ ít tải, mang đủ loại thùng, vại, xoong nồi ra tích trữ. Thậm chí nhiều hộ dân còn phải hạn chế cả nhu cầu vệ sinh, tắm giặt để dành cho những việc ăn uống. Không cam chịu việc quá khổ sở ở chung cư cao cấp và đặc biệt lo lắng nguồn nước dành cho cứu hỏa dưới bể ngầm cũng cạn kiệt, người dân đồng loạt nhắn tin tới số điện thoại nóng của Chủ tịch thành phố nhờ can thiệp.
Ông Sinh Viên - đại diện Ban quản trị tòa nhà cho phóng viên biết, chỉ ít hôm sau, tức chủ nhật, ngày 21/10, đích thân Giám đốc Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy đã xuống xem xét, hứa hẹn tăng áp lực nước cho khu vực. Hiện nay, nhiều hộ dân cho biết nước đã tạm đủ dùng nhưng vẫn thấp thỏm lo âu vì đây đang là mùa lạnh, nhu cầu giảm chứ khi thời tiết tăng nhiệt thì không ai dám chắc lại không lâm cảnh khổ sở.
Tương lai vẫn mờ mịt
Từ khi bàn giao nhà cho cư dân vào ở đến nay đã gần 2 năm nhưng không có một thông tin tích cực nào thay đổi, quá bức xúc, cư dân đã nhóm họp, thành lập Ban quản trị lâm thời và từ đó triền miên với các cuộc họp hành, đâm đơn kiện, tiếp xúc với cơ quan chức năng.
Dấu ấn đáng kể “thành công” của chiến dịch đấu tranh này là... Kết luận của Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng trong buổi làm việc với Ban quản trị lâm thời khu nhà ở Ecolife Tây Hồ. Theo quy hoạch được phê duyệt, khu nhà này được kết nối với đường 40m qua khu đô thị Tây Hồ Tây, tuy nhiên, dự án này đang thi công và còn nhiều vướng mắc trong giải tỏa nên chưa thể hoàn thiện. Con đường đau khổ mà bà con đang phải đi chỉ là đường tạm phục vụ xe thi công do Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội thuê đất của dân. Kết luận này cũng nêu rõ trong Khoản 3, Điều 13 của Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 năm 2014 quy định: “Chủ đầu tư chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hạ tầng chung của khu vực”. Kết luận cũng nhấn mạnh việc yêu cầu Công ty CP Đầu tư và thương mại Thủ Đô (đơn vị chủ đầu tư tòa nhà Ecolife Tây Hồ) có văn bản hồi âm trước ngày 18/4/2018 để cam kết về thời gian lãnh đạo công ty đối thoại với cư dân và UBND quận. Tuy nhiên, cho đến nay thì tình hình vẫn dậm chân tại chỗ.
Như vậy có thể thấy rằng, Công ty CP Đầu tư và thương mại Thủ Đô đã không tuân thủ theo các quy định pháp luật nói trên. Vậy vai trò của Chủ đầu tư Ecolife Tây Hồ là Công ty Thủ Đô ở đâu mà vẫn im lặng đem cư dân “bỏ chợ”? Ai “tạo điều kiện” cho Công ty CP Đầu tư và thương mại Thủ Đô đấu nối đường nước tạm để được coi là “hoàn thiện hạ tầng” nhằm đưa người dân vào ở trong khi chưa đủ điều kiện hạ tầng? Cơ quan quản lý đã nghiệm thu và cho phép chủ đầu tư đưa cư dân vào ở như thế nào? Và ngoài ra, cư dân còn khiếu nại rất nhiều vấn đề liên quan đến mua bảo hiểm cháy nổ, nguồn nước cứu hỏa cạn kiệt, diện tích đất sử dụng chung và riêng của tòa nhà mà theo cư dân là đang bị chủ đầu tư chiếm dụng, thay đổi công năng để cho thuê kinh doanh, rồi khu vực vườn hoa khoảng không hiện là đất thuê của Nhà nước, liệu người dân có phải bỏ tiền túi thuê lại hay không... Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh và thông tin.