Những nông dân tại đây cho biết, một sào củ cải trồng với chi phí khoảng 3,5 triệu đồng. Trước thời điểm Tết 2018 khoảng 1 tháng nông dân sẽ bán lại cho các thương lái với giá khoảng 10 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, do lượng rau củ ở các nơi đổ về Thủ đô tương đối lớn nên ảnh hưởng tới việc tiêu thụ của toàn khu vực. Các thương lái đã đặt mua những sào ruộng củ cải trước tết, nhưng không bán được. Người nông dân nản bỏ mặc không chăm bón nhưng nhờ đất phù sa của bãi bồi sông Hồng nên cây cải trắng cứ thế phát triển.
Một người nông dân tại cánh đồng xã Tráng Việt nhăn nhó: "Những củ to, nặng trên 2kg mặc dù rất ngon và ngọt nhưng đành bỏ ở lại ruộng, vì người tiêu dùng chê. Họ thấy củ cải quá to nên lại cho rằng chúng tôi nhập hàng Tàu, chỉ có hàng Tàu mới to và nặng như thế...". Thậm chí người dân còn phải thuê người dọn ruộng, mang củ cải đi vứt bỏ với mức giá 1 - 1,5 triệu đồng/sào.
Một số người dân vừa nhổ bỏ lấy đất trồng cây khác, vừa ấm ức: "Giờ giá củ cải chỉ còn 500 đồng/kg mà người ta còn không buồn nhổ, nên người dân thà bỏ còn hơn công đi thu nhặt". Nhiều gia đình cũng như thương lái cho biết, họ đã phải vứt bỏ hàng mẫu ruộng trồng củ cải trắng cũng như thua lỗ cả trăm triệu đồng. Nhiều thương lái "ôm" quá nhiều diện tích củ cải không thể tiêu thụ buộc phải vứt khắp cánh đồng hoặc tại khu vực sát sông Hồng.
Được biết đây đã là cuối vụ, nhiều người đồng loạt trồng nên lượng sản phẩm tăng đột biến, dẫn tới tình cảnh này. Chuyện được mùa, mất giá đâu đó lại xuất hiện khiến bà con lao đao, nhà ít mất vài chục triệu đồng, có gia đình trồng nhiều và thương lái "ôm" củ cải nhiều mất tới cả trăm triệu đồng, chưa kể công sức chăm sóc, xem ra, một định hướng lâu bền trong nông nghiệp cho bà con nông dân vẫn còn khá mơ hồ.