(SKDS) - Củ cải là món ăn không thể thiếu của rất nhiều gia đình trong mùa đông, với nhiều cách chế biến: muối dưa, luộc, kho với thịt, xào với trứng hoặc thịt, nấu canh, làm gỏi... Trong dân gian, củ cải được dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh đặc biệt là bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.
Theo Đông y, củ cải tươi có vị cay, tính mát, khí đi lên, khi đã nấu chín có vị ngọt tính bình, khí đi xuống. Củ cải chữa được nhiều bệnh về hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, trừ sỏi mật và giải ngộ độc... Sau đây là một số cách dùng củ cải chữa bệnh đường hô hấp và tiêu hóa:
Cảm gió: dùng 2 thìa nước ép củ cải, 2 thìa tương đậu nành, nửa lít nước, nấu cô lại. Uống, đắp chăn ra mồ hôi.
Khản tiếng: nước ép củ cải hòa chung với nước gừng, uống khoảng 2 - 3 ngày, bệnh sẽ đỡ.
Ho nhiều, suy nhược cơ thể: củ cải trắng 1kg, lê 1kg, gừng tươi 250g, sữa 250g. Lê gọt vỏ bỏ hạt; củ cải và gừng tươi rửa sạch, thái nhỏ, mỗi thứ vắt nước để riêng. Cô nước củ cải và lê đến khi đặc dính rồi cho nước gừng, sữa, mật ong vào, quấy đều, đun sôi lại. Khi nguội cho vào lọ đậy kín. Mỗi lần dùng 1 thìa canh pha với nước nóng để uống, ngày 2 lần.
Viêm họng, viêm khí quản cấp tính:củ cải 500 - 1.000g, quả trám 250g. Sắc uống.
Ho kéo dài rát cổ, đờm có lẫn máu: lấy củ cải nấu canh với cá diếc, ăn nhiều ngày.
Hen suyễn, nhiều đờm, tức ngực: hạt củ cải 10g, hạt tía tô 19g, hạt cải bẹ 3g, sao vàng, bọc túi cho vào nồi, đổ 300ml nước, cô lại. Uống ngày 3 lần.
Lao phổi, ho ra máu, đau tức ngực: 2 - 3 củ cải giã lấy nước, thêm ít muối, uống. Đau đầu do tăng huyết áp: nước củ cải tươi uống lạnh.
Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn, tiêu chảy, mệt lả:củ cải 150g, cà rốt 150g, xương sườn lợn 200g (chặt ngắn), gia vị vừa đủ. Ninh nhừ xương trước với muối rồi cho củ cải, cà rốt vào ninh tiếp cho chín. Ăn kèm rau cải cúc đã hấp chín, ăn trước bữa cơm.
Lương y Nguyễn Minh