Hà Nội

Củ bình vôi chữa bệnh gì?

13-11-2023 15:03 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Củ bình vôi được thu hái vào mùa thu, đông vì đây là thời điểm dược liệu có tác dụng chữa bệnh cao nhất. Củ bình vôi chủ yếu được sử dụng dưới dạng khô, chữa một số bệnh thường gặp trong cuộc sống...

1. Nhận diện củ bình vôi

Bình vôi có tên thường gọi củ một, củ mối trôn, ngải tượng, tử nhiên, cà tom… Tên khoa học của củ bình vôi là Stephania Glabra (Roxb), họ tiết dê Minispermaceae.

Cây bình vôi thuộc dạng dây leo và chỉ có một đoạn thân ngắn tiếp xúc với mặt đất. Phần thân củ phình to có hình dạng như bình đựng vôi, củ rất to và có hình dáng thay đổi tùy thuộc vào nơi cây phát triển.

Củ bình vôi có vỏ ngoài màu nâu đen, bên trong có màu trắng xám, vị đắng. Lá có hình trái tim, mọc so le. Hoa màu xanh nhạt, kích thước hoa nhỏ. Quả có hình cầu, khi chín có màu đỏ. Hạt có hình móng ngựa.

Các loài bình vôi phân bố rất rộng, chủ yếu ở châu Á gồm một số nước như Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… Ở Việt Nam, diện phân bố kéo dài từ Bắc đến Nam nhưng tập trung nhiều vào các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa với trữ lượng khá lớn.

Bình vôi là loài cây ưa sáng, thường gặp ở rừng cây bụi và dây leo nhỏ núi đá vôi ẩm. Thu hái vào mùa thu, đông. Lúc này hàm lượng các hoạt chất có lợi đạt ngưỡng cao nhất. Mùa hoa tháng 4 - 6, mùa quả tháng 8 - 10.

củ bình vôi

Cây bình vôi

2. Cách chế biến vị thuốc từ củ bình vôi

Cbình vôi sau khi được thu hái, cạo sạch vỏ ngoài, thái lát, phơi trong râm cho khô. Có thể dùng dược liệu khô để chiết hoạt chất. Có nơi, người ta dùng củ bình vôi tươi xát hoặc giã nhỏ, ép lấy nước, rồi từ nước này chiết lấy hoạt chất. Cách này thường được sử dụng khi phải vận chuyển dược liệu đi xa và mất nhiều thời gian.

Bảo quản củ bình vôi khô trong hũ thủy tinh hoặc bì nilong để không bị ẩm mốc.

photo-1699665760158

Bình vôi là cây loại dây leo, rễ củ phát triển to, thường dùng làm thuốc. Hình ảnh củ bình vôi.

3. Một số bài thuốc trị bệnh từ củ bình vôi

Củ bình vôi vị đắng, ngọt, tính lương. Quy kinh can, tỳ.

Y học cổ truyền cho rằng, củ bình vôi có tác dụng an thần, trấn kinh, khắc phục triệu chứng suy nhược, nóng sốt, nhức đầu, rối loạn chức năng tiêu hóa…

Các nghiên cứu hiện đại cũng phát hiện và ứng dụng điều chế củ bình vôi thành các bài thuốc an thần, điều trị mất ngủ, suy nhược cơ thể.

- Trị mất ngủ

Bài 1: Củ bình vôi 12g, vông nem 12g, liên nhục 12g, long nhãn nhục 16g, táo nhân sao 12g. Sắc uống 01 thang/ngày, uống trong ngày và trước khi ngủ 30 phút.

Bài 2: Củ bình vôi 12g, vông nem 12g, liên tâm 6g, lạc tiên 12g, cam thảo 6g. Sắc uống 01 thang/ngày, uống trong ngày và trước khi ngủ 30 phút.

- Trị suy nhược thần kinh

Thành phần: Củ bình vôi 12g, viễn chí chế 12g, thiên ma 12g, câu đằng 12g. Sắc uống 01 thang/ngày.

- Trị đau dạ dày, loét dạ dày

Thành phần: Củ bình vôi 12g, xa tiền tử 12g, dạ cẩm 12g, khổ sâm 12g. Sắc uống 01 thang/ngày.

- Trị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng, viêm khí quản mạn tính

Thành phần: Củ bình vôi 12g, huyền sâm 12g, cát cánh 12g, trần bì 10g. Sắc uống 01 thang/ngày.

Kiêng kỵ: Khi dùng các bài thuốc trên cần kiêng các thực phẩm sống, lạnh, béo ngọt quá mức, các chất kích thích.

photo-1699665760721

Vị thuốc củ bình vôi.

4. Những lưu ý khi sử dụng củ bình vôi

Bình vôi là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian do có nhiều tác dụng quý. Tuy nhiên, để sử dụng dược liệu hiệu quả, đúng lượng, đúng bệnh cần theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Đối với các trường hợp dùng củ bình vôi chữa mất ngủ cần chú ý:

  • Không sử dụng củ bình vôi vượt quá lượng được hướng dẫn do quá liều có thể gây kích thích thần kinh trung ương và dẫn đến co giật.
  • Củ bình vôi có thể gây ngộ độc nên không được tự ý dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Khi sử dụng củ bình vôi chữa mất ngủ hay bệnh lý khác nếu thấy xuất hiện các triệu chứng không mong muốn cần dừng sử dụng dược liệu và đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Mời bạn xem tiếp video:

Bệnh nhân đái tháo đường có nên kiêng hoa quả ngọt hay không? I SKĐS


Lương y Bùi Đắc Sáng
Viện hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội
Ý kiến của bạn