Cụ bà suýt mất 500 triệu đồng qua cuộc gọi video của 'em gái Deepfake'

28-06-2023 14:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Công an phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội vừa phối hợp cùng một ngân hàng trên địa bàn kịp thời phong tỏa số tiền 500 triệu đồng tránh cú lừa của tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake.

Suýt mất 500 triệu đồng vì "em gái Deepfake"

Mới đây, bà Nguyễn Thị Thái (trú tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) suýt bị lừa mất số tiền 500 triệu đồng với hình thức gọi video qua ứng dụng Messenger Facebook. Theo bà Thái, bản thân là cán bộ công chức đã nghỉ hưu, rất cảnh giác những chiêu trò lừa đảo, tuy nhiên, lần này, tội phạm đã sử dụng hình ảnh em gái hiện lên ở messenger kèm giọng nói thì bà đã tin tưởng thật mà không kiểm chứng.

Khoảng 22 giờ tối 21/5/2023, bà Thái có nhận được 1 cuộc gọi video từ tài khoản Facebook của em gái bà Thái là Nguyễn Thị Thùy (hiện đang ở Cộng hòa Liên bang Đức). Trong cuộc gọi video có hình ảnh bà Thùy nhưng không nói chuyện trao đổi gì mà cúp máy luôn. Sau đó, tài khoản trên nhắn tin với bà Thái nói lý do mạng chậm, chỉ nhắn tin được kèm nội dung: "Do bên này em đã mượn tiền của người ta lo việc cho con, nên sổ tiết kiệm của em có số tiền 500 triệu đồng, chị mang ra ngân hàng rút gửi trả nợ giúp em người tên là Nguyễn Văn Linh, số tài khoản...".

Cụ bà suýt mất 500 triệu đồng qua cuộc gọi video Deepfake, công an lên tiếng cảnh báo - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thái trình báo tại cơ quan công an. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Sáng 22/5, bà Thái đã đến Phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank ngõ 64 Kim Giang để làm thủ tục rút 500 triệu đồng tiền mặt từ sổ tiết kiệm của bà Thái và chuyển số tiền trên vào tài khoản 105878707… Vietinbank người thụ hưởng Nguyen Van Linh. Khi đang giao dịch, do đã được cơ quan công an tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo, nhân viên ngân hàng đã thông báo với bà Thái, khả năng đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nhưng do tin tưởng người nhà, bà Thái vẫn yêu cầu chuyển tiền.

Sau khi chuyển tiền, bà Thái dùng tài khoản Facebook của mình gọi lại qua messenger cho tài khoản Facebook Nguyễn Thị Thùy nhưng bị chặn không liên lạc được. Từ đó bà Thái nghi ngờ bị lừa đảo, nhanh chóng ra Công an phường Kim Giang trình báo sự việc trên.

Nhận được tin báo, Trung tá Lê Anh Tuấn - Trưởng Công an phường Kim Giang cùng tổ công tác chạy bộ xuống Phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank, ngõ 64 Kim Giang (cách trụ sở Công an phường khoảng 120m) để nhanh chóng phối hợp phong tỏa tài khoản, ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ trong vòng 10 phút từ khi chuyển tiền, cơ quan chức năng đã phong tỏa được số tiền 500 triệu đồng của bà Thái đang nằm trong tài khoản của các đối tượng lừa đảo. Nếu chỉ chậm một vài phút, các đối tượng đã có thể tẩu tán toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm được.

Trung tá Lê Anh Tuấn cho biết: "Các đối tượng lừa đảo có thủ đoạn rất tinh vi, bọn chúng đã "hack" tài khoản mạng xã hội của chị Nguyễn Thị Thùy (em gái bà Thái), đọc được đoạn chát qua mesenger trong Facebook của hai chị em biết về số tiền trên nên đã liên lạc với bà Thái và sử dụng công nghệ ghép mặt chị Thuỳ, giả giọng để lừa chuyển tiền. Khi cơ quan công an liên lạc, các đối tượng đã xóa toàn bộ giao dịch với bà Thái, chặn số điện thoại…".

Cảnh giác với tội phạm lừa đảo không gian mạng

Thời gian qua, lợi dụng sự "không biên giới" của internet, các đối tượng phạm tội thực hiện hành vi lừa đảo qua nhiều hình thức khác nhau.

Cụ bà suýt mất 500 triệu đồng qua cuộc gọi video Deepfake, công an lên tiếng cảnh báo - Ảnh 2.

Trung tá Lê Anh Tuấn - Trưởng Công an phường Kim Giang cảnh báo người dân tuyệt đối không tự ý chuyển tiền cho người lạ khi có sự nghi ngờ. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Chia sẻ với Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Trung tá Lê Anh Tuấn cho hay, có rất nhiều thủ đoạn khác nhau của các đối tượng lợi dụng công nghệ cao hoạt động xâm phạm trật tự an ninh xã hội như giả danh cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước đang điều tra vụ án để yêu cầu bị hại cung cấp thông tin, chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng phạm tội dưới danh nghĩa "xác minh nguồn tiền".

Phương thức thủ đoạn phổ biến nữa là lập các sàn giao dịch ảo, các trang website giả mạo của ngân hàng để lừa bị hại nhập thông tin tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, thủ đoạn giả mạo người thân lợi dụng sự tin tưởng của bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những chiêu thức người dân ít cảnh giác nhất, đã có rất nhiều người dân bị mất tiền qua chiêu trò này.

Qua trường hợp trên, Công an quận Thanh Xuân khuyến cáo người dân khi nhận được cuộc gọi các đối tượng tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án hay giả mạo người thân mượn tiền cần bình tĩnh. Nếu có nghi vấn phải liên hệ trực tiếp với cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Người dân cũng cần hạn chế chia sẻ các thông tin, hình ảnh cá nhân ở chế độ công khai. Việc để chế độ công khai giúp người dùng tương tác tốt hơn nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi để các đối tượng xấu lợi dụng hình ảnh nhằm hoạt động phạm tội. Từ đó mang lại những hậu quả rắc rối cho chính bản thân mình.

Công an huyện Mỹ Đức xin lỗi dân vì vụ bắn chết dêCông an huyện Mỹ Đức xin lỗi dân vì vụ bắn chết dê

SKĐS - Liên quan đến vụ việc 3 công an bắn chết dê của người dân, chiều 27/6, Đại diện Công an huyện Mỹ Đức đã đến nhà xin lỗi gia đình người bị hại trong vụ việc.



Hồng Ngọc
Ý kiến của bạn