BS. Đặng Văn Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Ca bệnh này có tuổi cao, nhiều bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch do sử dụng Corticoid kéo dài và tổn thương phổi nhiều, thường xuyên giảm thông khí 2 bên phổi.
Vì vậy mặc dù bệnh nhân đã thoát nguy kịch do COVID-19 nhưng vẫn cần phải theo dõi điều trị sát sao các bệnh lý nền.
Bệnh nhân Hoàng Thị K. 64 tuổi (ở thành phố Vinh, Nghệ An) có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, thoát vị đĩa đệm, vào viện ngày 7/7/2021.
Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện ho sốt và được xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được điều trị COVID-19 ở tuyến cơ sở nhưng bệnh nặng hơn, tình trạng khó thở tăng dần, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao qua máy HFNC, nhưng không đáp ứng. Bệnh nhân được can thiệp ống nội khí quản, thở máy xâm nhập và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực (ICU) lúc 11h00 ngày 8/7 trong tình trạng duy trì thuốc an thần, thở máy qua nội khí quản, phổi giảm thông khí cả 2 bên; thể trạng béo phì, đường máu mao mạch tăng cao (28 mmol/l); tim đều 80 chu kỳ/phút (có ngoại tâm thu tần số 1/3), sốt cao, tình trạng nhiễm trùng rõ (với số lượng bạch cầu suy giảm dưới 2G/l), rối loạn tăng đông máu, giảm tiểu cầu.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi nặng ARDS do SARS-CoV-2 trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường, thoát vị đĩa đệm.
Ngay sau khi nhập khoa, bệnh nhân được đánh giá tổng thể, thở máy tối ưu trong ARDS, chăm sóc hô hấp tích cực; điều trị insulin hạ đường máu, chống đông máu; kết hợp kháng sinh điều trị chống bội nhiễm. Bệnh nhân được theo dõi sát sao các diễn biến trên lâm sàng, và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Sau 2 lần lọc máu hấp thụ độc tố Cytokinse bằng quả lọc Oxiris (ngày 8 và 9/7); bệnh nhân chưa có nhiều tiến triển, phổi vẫn giảm thông khí 2 bên, huyết áp thường xuyên tăng cao. Các bác sĩ tiếp tục chăm sóc hô hấp tích cực, kết hợp duy trì thuốc hạ áp đường tĩnh mạch để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, đồng thời theo dõi sát sao điện tim phát hiện và kiểm soát rối loạn nhịp ngoại tâm thu.
Sau 8 ngày thở máy, đến 15/7, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, cơ lực khá hơn, các bác sĩ tập cho bệnh nhân cai máy thở, rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy kính, tiếp tục chăm sóc hô hấp, giải phóng ứ đọng, giúp phục hồi chức năng phổi.
Ngày 16/7, qua thăm khám và siêu âm bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dịch ổ bụng, siêu âm có hình ảnh xơ gan, xét nghiệm viêm gan B HBsAg (+); giảm tiểu cầu, bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng virut viêm gan B và tầm soát căn nguyên gây giảm tiểu cầu.
Tuy nhiên chỉ 1 ngày sau, bệnh nhân đột ngột khó thở, nhịp thở 30 lần/phút, SPO2 xuống 82%, huyết áp tụt 85/35 mmHg, mệt nhiều, tự thở oxy qua gọng kính. Bệnh nhân được chẩn đoán: theo dõi nhồi máu phổi cấp. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển thở oxy lưu lượng cao, tầm soát toàn bộ xét nghiệm.
Ngày 18/7, bệnh nhân tỉnh táo, đỡ mệt hơn, chụp cắt lớp MSCT phổi không thấy hình ảnh huyết khối, các bác sĩ thống nhất theo dõi sát toàn trạng, theo dõi sát tình trạng chảy máu, duy trì thuốc chống huyết khối, tập vận động tại giường, bổ sung dinh dưỡng đường tĩnh mạch, kiểm soát đường máu và huyết áp.
Sau 8 ngày thở máy, 24 ngày chăm sóc tích cực, đến ngày 30/7, bệnh nhân tự thở tốt, thể trạng khá hơn, sức khỏe ổn định, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp. Bệnh nhân được chuyển tuyến cơ sở để theo dõi và điều trị bệnh lý nền.
Đến nay, Khoa Hồi sức tích cực có 26 bệnh nhân nặng và nguy kịch trong đó có 22 ca thở máy, 4 ca ECMO.