Nếu ai đó thắc mắc tình yêu nào đi cùng năm tháng ngoài tình yêu gia đình và người thân, thì xin được trả lời, đó là tình yêu với lịch sử, với văn hóa, với nét yêu, nếp thương Hà thành. Tình yêu của một cụ già với những gì xưa nhất của Hà Nội, Hồ Gươm...
Nhân duyên với cá Hồ Gươm
Hình ảnh bà cụ cứ chiều chiều lại xách mấy cái túi nilon xanh, đỏ ra gần chân cầu Thê Húc mang bánh “nuôi” những chú cá Hồ Gươm chắc hẳn không xa lạ với những ai hay dạo quanh bờ hồ này. Đó là cụ bà Quách Thị Gái ở số 46, ngõ Phát Lộc (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội). Sinh năm 1923, dù đã có tuổi nhưng cụ bà vẫn nhanh nhẹn và đặc biệt rất thân thiện. Cụ vừa ném bánh mì xuống hồ vừa nói chuyện với tôi. Chốc chốc, bà cụ lại chỉ tay xuống mặt hồ bảo “cá lên ăn đấy cô ạ”. Mặt hồ đang yên tĩnh bỗng chuyển động, ban đầu chỉ có vài “chú” ngoi lên, được vài phút, như phép lạ, cá nổi lên rất nhiều, thi nhau đớp mẩu bánh, chép chép miệng nghe thật vui tai. Thức ăn chính nuôi cá vàng nơi đây là bánh mì vụn mà bà cụ mua ở các lò bánh mì. “Món” thứ hai là cơm thừa nhưng được cụ bà phơi khô sạch sẽ ở nhà và cẩn thận cho vào bao nylon mang ra Hồ Gươm. Cụ Gái tâm sự, cụ luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp cụ Rùa. Thật không ngờ, có ít nhất vài chục lần cụ Rùa đã lên khiến bà cụ càng vui hơn, càng thấy việc mình làm có ý nghĩa. Sự hiện diện của cụ Rùa là niềm động viên rất lớn cho cụ Gái. Khi được hỏi cụ làm công việc này lâu chưa? Cụ bảo “đơn giản vì tôi yêu, đó là thú vui của tôi, làm bao nhiêu năm thực sự tôi không nhớ nổi nữa”. Cụ bà đập đập tay tôi, ánh mắt nhìn xa xăm. Cụ kể trước đây, cụ bán quà bánh quanh bờ hồ Hoàn Kiếm cho khách du lịch. Vào một buổi chiều ế khách, cụ ngồi ăn chiếc bánh mì, bỗng một mẩu bánh mì nhỏ rơi xuống hồ, ngay lập tức, đàn cá lao đến xâu xé. Thấy vậy, cụ xé nhỏ cái bánh mì trên tay thả xuống hồ. Từ đó, cứ mỗi buổi đi bán hàng quanh hồ, đến đúng giờ đó cụ bà lại dành ra một vài cái bánh mì cho cá vàng.
Thời gian đầu làm công việc này nhiều người quanh hồ bảo “cụ bị điên, rảnh việc”. Nhưng cụ bỏ ngoài tai, cụ nói “để ý chỉ thêm mệt, mình cứ làm thôi”. Thời gian cứ thế trôi đi, lâu dần, mọi người ở nơi đây đã nhìn bà cụ bằng con mắt khác - một cụ già có tấm lòng nhân hậu!
Và hành trình quen thuộc
Cụ tâm sự ngày nào còn thừa bánh, cụ đều mang ra nuôi cá Hồ Gươm, nhưng không phải hôm nào cũng còn nhiều. Suy nghĩ mãi, trong một lần bà cụ đi ngang qua các quán ăn, thấy những mẩu bánh mì thừa của khách còn trên bàn được các nhân viên gạt hết vào thùng rác. Thấy lãng phí nên cụ đã nảy ra ý định xin bánh mì về cho cá ăn. Vậy là cứ 9 - 10 giờ đêm, cuộc hành trình lại bắt đầu, không lúc nào ngưng nghỉ, nó cứ theo cụ mãi đến tận ngày hôm nay. Cụ bảo “nếu không làm việc này tôi thấy cứ thiếu thiếu cái gì ấy”. Lúc đầu đi xin bánh ở các nhà hàng, cụ gặp không ít khó khăn khi họ nghĩ rằng cụ là ăn xin. Không bỏ cuộc, cụ lại đi xin ở chỗ khác, cứ như vậy không kể nắng hay mưa, đông hay hạ.
Công việc thầm lặng của cụ khiến mọi người cảm động, nó đến tai của những chủ quán ăn, họ biết cụ bà đi xin bánh nuôi cá Hồ Gươm nên công việc của cụ cũng tương đối thuận lợi hơn. Có người thông cảm còn chủ động gom bánh lại gọn gàng chờ cụ đến lấy. Cuối mỗi buổi hành trình như vậy, cụ mang về tầm 3 - 4 túi ni lông bánh. Hôm nào xin được nhiều cụ lại cất bớt làm “lương thực” cho những ngày được ít hơn.
Trong vô vàn những người đi qua và dừng chân trước hành động đẹp của bà cụ, tôi gặp được bác Nguyễn Phi Cường, bác cởi mở chia sẻ: “Bà cụ này thật tốt bụng. Tôi thấy hành động của bà cụ rất đẹp và cao quý”. Quả thực trong xã hội hiện đại ngày nay, khi một bộ phận giới trẻ đang có lối sống ích kỉ, lãnh đạm với cuộc sống thì hành động của bà cụ khiến cho ta rung động và học cách sống không vô cảm với chính cuộc sống xung quanh mình. Hy vọng một hành động nhỏ nhưng mang tính xã hội như của cụ Quách Thị Gái sẽ được nhân rộng để cuộc sống này trở nên có ý nghĩa hơn!
Bài và ảnh: Thu Hà