Ngày 30/3, bà xuất hiện cơn đau ngực khó thở nhiều, được các con đưa đến bệnh viện tuyến địa phương.
Các bác sĩ nghi ngờ bà bị nhồi máu cơ tim. Sau cấp cứu ban đầu bà được chuyển tuyến đến Bệnh viện Thống Nhất.
PGS.TS Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu - Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, lúc vào viện, tình trạng lâm sàng của bà rất nặng, vẫn còn đau ngực, huyết áp có xu hướng tụt, song song đó tình trạng khó thở nhiều.
Cụ bà T.T.T. (98 tuổi, quê Bình Phước) đã được cứu sống, sức khoẻ ổn định sau can thiêp. Ảnh: H.T
PGS.TS Nguyễn Văn Tân chia sẻ: Các bác sĩ trực hội chẩn báo lại đây là một trường hợp rất nặng. Bệnh nhân nhập viện trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim đe doạ tim, choáng tim, suy tim nặng.
Ngoài vấn đề ổn định nội khoa ban đầu, nếu không chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao.
Tuy nhiên tất cả các bác sĩ đều e ngại một điều là bệnh nhân quá cao tuổi, sức chống chịu của bệnh nhân yếu hơn so với ở những độ tuổi trẻ, nếu can thiệp thời gian hồi phục kéo dài hơn, có khả năng nhiều biến chứng, vô tình làm nặng hơn các bệnh lý nền của người bệnh.
Do đó câu hỏi đặt ra là các bác sĩ Tim mạch Can thiệp, bác sĩ Nội Tim mạch sẽ lựa chọn phương pháp nào điều trị tốt nhất cho bà.
“Ê kip các bác sĩ đã nhiều lần hội chẩn, phương án chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu được đặt lên bàn cân, rằng “nên hay không nên thực hiện trong trường hợp này”.
Chúng tôi đã cẩn trọng đánh giá tổng quát và toàn diện thể trạng của bệnh nhân, các vấn đề về lão khoa.
Mặc dù bệnh nhân đã 98 tuổi tuy nhiên tinh thần bệnh nhân khá minh mẫn, hoạt động thể chất còn tạm được.
Sau khi cân nhắc kỹ, chúng tôi đã quyết định cần nhanh chóng chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu để cứu sống bệnh nhân.
Khi chụp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân, đúng như chẩn đoán ban đầu, tình trạng của cụ bà rất nặng, tổn thương đã vôi hoá rất phức tạp ở ngay vị trí chia đôi thân chung của động mạch vành trái, tổn thương gần như tắc hoàn toàn, dòng máu chảy chậm. Tổn thương rất phức tạp trên nền bệnh nhân 98 tuổi, nguy cơ bệnh nhân tử vong là không tránh khỏi”- PGS.TS Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.
Ngay sau đó, bệnh nhân được can thiệp mạch vành, đặt stent khơi thông dòng chảy. Sau can thiệp, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện rất rõ, triệu chứng đau ngực giảm, huyết áp tăng dần lên. Sức khoẻ được cải thiện, bệnh nhân có thể vận động đi lại, ăn uống nghỉ ngơi bình thường. Cụ bà đã được xuất viện vào chiều 5/4.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tân: Thường ở những bệnh nhân tuổi quá cao (trên 90 tuổi), các bác sĩ rất e ngại khi thực hiện các can thiệp, do đó không ít trường hợp bị từ chối điều trị.
Tuy nhiên, quan niệm trên cần được thay đổi, không nên từ chối can thiệp cấp cứu cho những bệnh nhân rất cao tuổi, đặc biệt là trong tình huống nhồi máu cơ tim cấp.
Bởi một số trường hợp nếu đánh giá tổng trạng của bệnh nhân một cách toàn diện thì bệnh nhân vẫn đủ các điều kiện để thực hiện can thiệp, không chỉ cứu sống mà cải thiện chất lượng sống của người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu - Can thiệp thăm hỏi cụ bà trước khi xuất viện. Ảnh: H.T
PGS.TS Nguyễn Văn Tân khuyến cáo: Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra trên mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc rất cao tuổi. Ở người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền đi kèm, việc can thiệp mạch vành nên được xem xét, không nên dựa vào độ tuổi quá cao để từ chối điều trị.
Người bệnh cần được đánh giá tổng trạng, tình trạng lão khoa, trước khi đưa ra quyết định. Ở các Trung tâm can thiệp cũng cần chuẩn bị tốt các vấn đề về hồi sức, chăm sóc hậu phẫu và điều trị lâu dài cho người bệnh sau can thiệp, bệnh nhân sẽ có cơ hội được cứu sống.
Ở người bệnh tuổi quá cao, kèm theo các bệnh nền khác như: nhiễm trùng nặng, suy hô hấp do viêm phổi, xuất huyết tiêu hoá, bệnh nhân mắc ung thư… những trường hợp này tiên lượng sống còn của bệnh nhân rất kém, các bác sĩ cần cân nhắc không nên sử dụng thủ thuật. Bởi có thể vô tình làm nặng tình trạng của bệnh nhân hơn.
Trước đó khoảng 2 tuần, êkip các bác sĩ tại đây cũng can thiệp thành công cho 1 bệnh nhân nữ 95 tuổi bị tổn thương mạch vành nặng. Sau can thiệp và điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện trong sức khoẻ ổn định.