Cụ bà 84 tuổi có 15 viên sỏi trong cơ thể

03-09-2019 14:17 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Khoa ngoại niệu, Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công một trường hợp sỏi rất to, nằm trong túi thừa (ngách) bàng quang hiếm gặp trên nữ bệnh nhân 84 tuổi mắc bệnh tim mạch nặng.

Bà Huỳnh Thị Lắm, 84 tuổi, ở TP Cà Mau, được người nhà đưa vào viện ngày 27/8/2019, sau đó được bệnh viện địa phương chuyển viện với chẩn đoán: sỏi bàng quang /hẹp van động mạch chủ-hẹp van hai lá nặng.

Bệnh nhân có triệu chứng tiểu khó, tiểu gắt, đau vùng hạ vị, đau nhiều vùng hông lưng phải trong thời gian dài 10 năm, nhưng do có bệnh lý tim mạch nên không đồng ý phẫu thuật, bệnh nhân xin được điều trị nội khoa.

Khoảng 10 ngày trước nhập viện, triệu chứng của bệnh nhân nặng hơn với tiểu ra máu, đau vùng hạ vị, tiểu không kiểm soát nên nhập viện tại địa phương điều trị được 1 tuần, sau đó triệu chứng không thuyên giảm nên được chuyển đến Bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ.

Tại Bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ, kết quả siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân có sỏi bàng quang to, chụp X-Quang và CTScan thấy thận phải ứ nước độ I, niệu quản phải giãn đến bàng quang, rất nhiều sỏi chiếm hết lòng bàng quang, trong có một viên sỏi nằm cạnh phải bàng quang to khoảng 12cm nằm trong túi thừa bàng quang, thận phải ứ nước độ I, nhu mô thận phải còn dầy.

Kết quả siêu âm tim màu tổn thương hẹp hở van 2 lá mức độ trung bình, hở van chủ mức độ nặng, hẹp van động mạch chủ mức độ trung bình, tăng áp phổi.

Hình ảnh các viên sỏi sau khi được phẫu thuật viên lấy ra. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngoài ra bệnh nhân có bệnh lý tăng huyết áp và lớn tuổi (84 tuổi). Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nhưng do bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nặng, lớn tuổi, nguy cơ trong phẫu thuật rất cao. Chính vì vậy bệnh viện đã tiến hành hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa: khoa ngoại niệu, khoa tim mạch, khoa phẫu thuật tim và khoa gây mê hồi sức. Sau khi tư vấn và giải thích rõ, gia đình đã đồng ý phẫu thuật .

Theo BSCK II Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa gây mê hồi sức bệnh viện: Vấn đề vô cảm cho bệnh nhân có yếu tố nguy cơ rất cao về tim mạch do bệnh nhân có bệnh lý van tim nặng phối hợp và lớn tuổi là vấn đề đáng chú ý nhất ở bệnh nhân này. Trong đó hẹp van động mạch chủ có nguy cơ cao nhất trong số các bệnh van tim.

Đặc biệt khoa gây mê với khả năng gây mê trong phẫu thuật tim và cũng như đã từng gây mê nhiều trường hợp bệnh lý có kèm bệnh tim mạch nặng đã lựa chọn phương pháp vô cảm và lựa chọn thuốc gây mê phù hợp bệnh lý của bệnh nhân.

Ê kíp phẫu thuật do ThS. BS. Trương Minh Khoa, ThS.BS Đỗ Công Đoàn, BSCK I. Đặng Thế Oánh (khoa Ngoại Niệu), BSCK II Trần Huỳnh Đào trưởng khoa gây mê hồi sức BSCK I. Nguyễn Hữu Nghiệm (khoa Gây mê hồi sức) đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân vào ngày 30/8/2019.

Ca phẫu thuật thành công, thời gian kéo dài trong 50 phút. Trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã lấy ra rất nhiều sỏi từ 3cm - 8cm (khoảng 15 viên); có một viên sỏi rất to khoảng 12 cm nằm trong một túi thừa bên phải, cạnh bàng quang đè lên niệu quản vùng chậu phải, gây ứ nước thận, mô xung quanh túi thừa rất dính do viêm, bóc tách túi thừa lấy sỏi 12cm ra bên trong có ít mủ và cặn trắng. Sau đó bệnh nhân được cắt túi thừa và khâu tạo hình lại bàng quang để tránh trường hợp tái phát sỏi.

Tình trạng hiện tại, sáng ngày 3/9/2019, bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, đang được điều trị, theo dõi và chăm sóc tại khoa Ngoại Niệu, dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện trong hai ngày tới.

Theo ThS.BS Trương Minh Khoa, khi sỏi bàng quang nhỏ, có thể tán sỏi nội soi, khả năng phục hồi nhanh, chi phí điều trị ít, không để lại sẹo, đặc biệt, bệnh nhân không phải trải qua một ca mổ lớn như với sỏi  bàng quang lớn… Vì thế, những người được chẩn đoán sỏi bàng quang nên đến bệnh viện để xử lý sớm, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng bệnh sỏi bàng quang là việc làm cần thiết, vì nguyên nhân gây bệnh thường là do ứ đọng nước tiểu lâu ngày. Do vậy, để phòng ngừa sỏi bang quang hằng ngày cần uống đủ nước (1,5-2 lít/ngày) và tránh thói quen nhịn tiểu.

Cần vận động cơ thể đều dặn bằng hình thức tập thể dục, đi bộ, bơi và không nên ngồi, nằm một chỗ với thời gian lâu.

Ngoài ra khi có biểu hiện của rối loạn tiểu tiện (đái gắt, đái buốt hay đái ra máu cuối bãi) nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa tiết niệu để phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm. Điều này sẽ mang lại kết quả rất tốt cho người bệnh và bản thân bệnh nhân sẽ tránh được những biến chứng không đáng có do bệnh sỏi bàng quang gây ra.


PV
Ý kiến của bạn