Ở tuổi trường thọ 105, cụ bà Edythe Kirchmaier vừa được mạng xã hội facebook công nhận là người dùng facebook cao niên nhất thế giới. Cụ bà Kirchmaier cũng là công dân được cấp tấm giấy phép lái xe hơi cao tuổi nhất ở bang California cũng như là cựu sinh viên cao tuổi nhất của Đại học Chicago hiện vẫn đang còn sống khỏe.
Trăm tuổi vẫn quảng giao
Ở tuổi trường thọ 105, cụ bà Edythe Kirchmaier nói rằng cụ rất yêu thích được kết giao với mọi người trên trang mạng facebook. Tháng 1/2013 vừa qua, cụ đã trở thành thành viên của facebook. Tại Tổ chức Cứu trợ trực tiếp, một tổ chức từ thiện y tế nơi cụ Kirchmaier làm tình nguyện viên trong suốt 40 năm, đang tổ chức lễ sinh nhật mừng thọ 105 tuổi của cụ. Cụ Kirchmaier cười đôn hậu: “Tôi đã liên lạc với những người tuyệt vời và nhận được những lời chúc tràn đầy ý nghĩa cũng như tranh ảnh từ người hâm mộ trên khắp thế giới gửi cho tôi. Tôi cảm thấy mình chỉ là cá nhân nhỏ bé trên thế giới này và trân trọng cảm ơn mọi người đã giành những tình cảm tốt nhất cho ngày vui của tôi”.
![]() Cụ bà 105 tuổi Edythe Kirchmaier vừa được công nhận là thành viên sử dụng facebook cao niên nhất thế giới. |
Cụ Kirchmaier nói rằng cụ thường xuyên sử dụng cùng lúc nhiều phương tiện truyền thông bởi vì nó cho phép cụ có thể dễ dàng kiểm soát các sinh hoạt hàng ngày với bạn bè và gia đình của mình.
Ở tuổi bách niên, cụ bà Kirchmaier rất yêu thích được kết giao với mọi người ngay trên trang mạng facebook, cụ vẫn tin tưởng vào sức mạnh của ngòi bút. Mỗi thứ ba hằng tuần, dù ngày nắng cũng như ngày mưa, cụ lại lọc cọc lái chiếc xe hơi khiêm tốn của mình, đều đặn đặt chân đến các văn phòng của Tổ chức Cứu trợ trực tiếp ở Santa Barbara, California. Tại nơi đó, cụ Kirchmaier cặm cụi, nắn nót viết những lá thư để gửi cho những mạnh thường quân có trái tim vàng đã tài trợ tiền bạc và vật chất để ủng hộ những người đói khổ trong xã hội. Bà Hannah Rael, một đại diện truyền thông có các mối quan hệ trực tiếp với Tổ chức Cứu trợ trực tiếp: “Cụ rất thích viết các lá thư tay, mang cả tình cảm chân thành của mình. Dù tuổi cao nhưng bút lục của cụ hãy còn mạnh mẽ lắm”.
Hiện tượng người già chọn mạng xã hội làm nơi giao lưu tình cảm
Trong khi cụ bà Kirchmaier là người cao tuổi nhất thế giới đang sử dụng facebook thì thực tế cụ không chỉ là thành viên cao niên nhất để bao trùm tất cả các phương tiện truyền thông xã hội. Thực tế là trang facebook đã phát triển với tốc độ chóng mặt trong vòng vài năm qua. Độ tuổi nghỉ hưu 65 và cao hơn được xem là nhóm có sự tăng trưởng nhanh nhất trong việc đăng nhập các trang mạng xã hội như facebook, LinkedIn và MySpace, theo số liệu nghiên cứu vào năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu Internet Pew (PRCI) và Dự án Đời sống người Mỹ (ALP). Theo báo cáo này thì khoảng 40% người dùng internet đang có độ tuổi lớn hơn 65, đặc biệt là số lượng người già đang chọn lựa truy cập facebook, tăng 150% kể từ năm 2009. Độ tuổi vàng cũng đang đăng ký vào trang mạng xã hội Twitter với số lượng kỷ lục. Vào năm 2009, trong độ tuổi người già từ 50 - 64 chỉ có 5% người sử dụng internet. Nhưng bây giờ, tỷ lệ người cao tuổi sử dụng mạng xã hội đã lên tới 11%. Cụ Kirchmaier nói rằng mình chưa có tài khoản Twitter nhưng lạc quan cho biết: “Tôi sẽ cố gắng đăng nhập để tìm và kết thêm nhiều bạn mới nhằm phần nào xoa dịu nỗi cô đơn tuổi già”.
Theo báo cáo của Pew, người cao tuổi đang ngày càng có xu hướng truy cập vào các trang mạng xã hội để tìm lại người quen mà họ đã mất liên lạc trong quá khứ, để giữ gìn mối quan hệ đang tốt đẹp với những người bạn hiện tại hoặc tìm kiếm sự ủng hộ trong việc điều trị những căn bệnh mạn tính. Một cuộc nghiên cứu của Đại học Alabama tại Birmingham đã cho thấy rằng với những người cao tuổi, việc họ sử dụng mạng xã hội thường xuyên đã làm giảm đáng kể (30%) các triệu chứng trầm cảm. Bà Kristi Grigsby - Giám đốc truyền thông của trang web ageingcare.com, khẳng định: “Một trong những lợi ích lớn nhất của mạng xã hội dành cho người cao tuổi là họ sẽ cảm thấy tự tin rằng mình không hề đơn độc trong xã hội. Mạng xã hội giúp các cụ già tập trung hơn vào những gì mà họ đang có nhu cầu tìm kiếm”. Một bà lão 85 tuổi viết lên diễn đàn Chăm sóc sức khoẻ tuổi già: “Trang mạng xã hội giúp cho tôi giữ liên lạc với bạn bè, con cái và các cháu nội, ngoại... Tôi thích kiểm tra facebook mỗi ngày và chỉ để xem các bức ảnh đã được thêm vào hay vui buồn cùng với những dòng thông điệp mà mọi người đăng tải lên đó... Hàng ngày, tôi vẫn thường hay gửi email cho các bạn bè hồi học trung học và một số cựu sinh viên của mình... Nó giúp cho tôi cảm nhận mình vẫn là người có ích, đang tồn tại giữa đời thường và không có cảm giác cô đơn”.
DS. Nguyễn Thanh Hải (Theo GMA, 8/2/2013)
Người cao tuổi cần cảnh giác Bên cạnh tiện ích của mạng xã hội thì các chuyên gia cũng đang hướng dẫn người cao tuổi cách ngăn ngừa các hành vi trục lợi với sự cả tin của người cao tuổi. Một thành viên của diễn đàn Chăm sóc sức khỏe tuổi già cho biết, các trang mạng xã hội cung cấp cho họ những công nghệ hỗ trợ, chẳng hạn như bàn phím lớn cho máy in và các tiện ích thiết lập để tạo thuận lợi cho việc online nhanh hơn và kết nối tốt hơn. Nhưng ông Joe Buckheit - Chủ tịch của trang web Chăm sóc sức khỏe, lên tiếng cảnh báo về những hiểm họa tiềm tàng đối với người cao tuổi khi sử dụng các trang mạng xã hội, ông nói: “Những người cao tuổi luôn là mục tiêu săn lùng của những đối tượng lừa đảo ranh ma, chúng là những bậc thầy lấy lòng tin của người cao tuổi nhằm mục đích dụ dỗ họ để sập bẫy, chúng sẽ bịa ra các câu chuyện như thật để khai thác thông tin về đời tư của người cao tuổi. Tên trộm sẽ đánh cắp các thông tin cá nhân của người cao tuổi trên trang facebook, kế đó, hắn ta sẽ điện thoại trong tư cách giả dạng một người thân yêu nào đó của nạn nhân, có thể bịa ra là người thân yêu đang bị tai nạn hoặc đang túng tiền cần một lượng vừa phải tiền mặt, thế là nếu nạn nhân không cảnh giác cao độ thì rất dễ dàng bị sập bẫy. Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) báo cáo rằng có khoảng 60.000 lời phàn nàn về dạng lừa đảo độc ác này đã xảy ra vào năm ngoái 2012. Để bảo vệ người cao tuổi tránh các âm mưu trục lợi của bọn lừa đảo, ông Joe Buckheit khuyên người cao tuổi hãy cảnh giác cao độ với những kẻ bất lương. Ông Joe khuyên họ nên hỏi các thông tin chi tiết về người gọi nếu họ nhận được điện thoại từ một “người đang hốt hoảng”, người cao tuổi có thể gác máy và gọi ngược lại cho người thân để kiểm tra thực hư câu chuyện. Để tránh bị dụ vào bẫy, người cao tuổi cần phải xác nhận thông tin với những người thân khác. Nếu người gọi bảo là phải giữ bí mật câu chuyện thì rõ ràng đang có âm mưu không tốt ở đây, đèn đỏ đã được bật. Nếu người cao tuổi đã lờ mờ cảm nhận người xấu đang rình rập mình thì bắt buộc phải ngừng ngay việc chuyển tiền, tức tốc liên lạc với cảnh sát hoặc văn phòng phát hành thẻ tín dụng để cảnh báo cho họ có một hành vi tội phạm sắp sửa xảy ra để kịp thời ngăn chặn hiệu quả.
|