Cứ A Hồng - Bác sĩ của người Mông

14-10-2017 08:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Lão nông, dân tộc Mông (người nhà bệnh nhân) chạc tuổi 60, đon đả dẫn tôi lên phòng Giám đốc Cứ A Hồng. Cửa mở, giám đốc không ở đó. Lão phân bua: Nó là thầy thuốc... à à... bác sĩ...

Bác sĩ tốt của người Mông ta đấy. Nhiều việc lắm. Không khi nào được chơi đâu! Nhân thể lão dẫn tôi tìm hết nơi này nơi nọ. Tới Phòng kế hoạch Tổng hợp ở cuối tầng 2, lão khẽ reo lên: Giám đốc đây rồi. Đội mũ xanh, quần áo xanh, đang sổ sách gì đấy với cán bộ của nó! Nói rồi, lão cùn cụt về khu điều trị, khiến tôi không kịp với theo để có nhời “cảm ơn”!BS. Cứ A Hồng.

BS. Cứ A Hồng.

Gói lại việc, Giám đốc Cứ A Hồng đưa tôi về phòng. Ẩy chén trà mời uống, nhỏ lời: Xin lỗi, cho mấy phút để nhập dữ liệu kẻo lỡ quên! Tay thoăn thoắt rê chuột, mấy đầu ngón lướt trên bàn phím như nghệ sĩ piano. Xong việc, ông ngồi chuyện với tôi, nhưng liên tục bị ngắt quãng, bởi nhân viên vào ra xin ý kiến, lấy chữ ký. Chạnh nghĩ, lời lão nông người Mông nói không sai: “Nhiều việc lắm. Không khi nào nó được chơi đâu”! Kiệm thời gian, tôi hỏi ngay: Thảm họa lũ quét với Mù Cang Chải đã lùi xa cả tháng; nhưng nỗi đau và lòng ơn nghĩa với những tấm lòng thơm thảo, vượt khó vì dân của Trung tâm Y tế sẽ còn mãi trong tâm thức nhân dân, có phải thế không, thưa Giám đốc? Khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt hiền từ, lời cặn kẽ: Ở đâu cũng vậy, làm ngành y thì phải hết lòng vì dân.

Trận lũ đầu tháng 8 mới rồi là tai họa quá lớn với nhân dân Mù Cang Chải chứ không riêng gì Trung tâm Y tế của chúng tôi. Hôm ấy là đêm mồng 2 bắt sang ngày 3/8/2017, mưa như xối nước gây nên siêu lũ từ núi Kim Nọi tràn xuống khe suối xô cả đá hộc, đá tảng thành lũ ống, lũ quét dữ dằn tông thẳng xuống thị trấn huyện và các xã lân cận, gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, tài sản và các công trình công cộng. Số liệu thống kê xác nhận 8 người chết, 6 người mất tích, 9 người bị thương nặng... Ngay lúc tai họa xảy ra, ngành y tế huyện đã huy động tối đa lực lượng tham gia công việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích.

Trung tâm khẩn cấp thành lập và huy động 2 đội cấp cứu lưu động. Trong đó, 1 đội túc trực tại hiện trường, làm nhiệm vụ sơ cứu tại chỗ những ca bị vùi lấp và bị lũ cuốn sau khi tìm được; đồng thời cấp cứu những người thân của họ bị sốc, bị choáng, kể cả những người tham gia tìm kiếm bị thương; tổng số có tới 37 người được sơ cứu...Đội thứ 2 túc trực tại Trung tâm Y tế, phối hợp với kíp phẫu thuật của Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ tiếp nhận bệnh nhân được đưa tới từ những nơi xảy ra tai họa, kịp thời chữa trị. Tổng số có 9 ca được cấp cứu; trong đó 4 ca nặng phải chuyển tuyến trên; 5 ca điều trị tại Trung tâm, 2 ca phải phẫu thuật do gãy chân và xương đòn!...

Cùng thời điểm này, chúng tôi cũng thành lập và triển khai 2 đội phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, đội 1 làm nhiệm vụ thanh khiết môi trường tại các địa điểm thiên tai gây ra, như khu vực tổ 8 của thị trấn gồm 33 hộ bên bờ suối bị sạt lở; các khu trường tiểu học, trung học phổ thông, trường mầm non, trung tâm chính trị, khu dân cư bản Thái... Cấp nước rửa tay nhanh, viên xử lý nước ăn aquatab cho 300 hộ gia đình và các lực lượng tham gia cứu hộ, giải quyết hậu quả sau lũ... Đội thứ 2, túc trực tại điểm tập kết xác nạn nhân, tiến hành khử trùng, tẩy uế và xử lý với tổng số 8 thi thể. Tiếp đó, đội tiến hành thu gom, xử lý rác thải; phun khử trùng, tẩy uế toàn bộ các khu vực tìm thấy thi thể nạn nhân; phun rắc cloramin B toàn bộ các hố xác động vật trước khi đưa đi chôn theo quy định... nên không để dịch bệnh gây ra sau thiên tai!...

Tôi xen lời: Tai họa cũng gây thiệt hại nặng nề cho cán bộ Trung tâm Y tế của huyện? Cứ A Hồng khẽ nhíu đôi lông mày đậm và dài như biểu tượng vốn có của người nhân hậu, trái tim dễ rung động, trọng nghĩa, trọng tình. Ông kể: Người ngành y trên đất này khó khăn lắm, ấy vậy mà trận lũ dữ dằn lại còn làm 9 gia đình cán bộ y tế bị thiệt hại nặng nề; trong đó có 3 gia đình mất cả nhà và tài sản. Chăm lo công việc chung, nhưng cán bộ trung tâm của chúng tôi đều cảm thông, chia sẻ, an ủi nhau trấn tĩnh tinh thần; gom góp mỗi người 100.000 đồng hỗ trợ các gia đình gặp nạn. Hơn nữa, sự có mặt kịp thời của lãnh đạo Bộ (bà Đào Thị Ngọc Dung - PCTCĐ YT VN) lên thăm, hỗ trợ trên 100 triệu đồng giúp các gia đình bị nạn... đem tới niềm khích lệ lớn lao cho cán bộ trung tâm y tế của chúng tôi!...

Trụ sở Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải.

Trụ sở Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải.

Từng biết Cứ A Hồng là bác sĩ chuyên khoa 1, người dân tộc Mông, sinh ra nơi lũng sâu, rừng thẳm xã Kim Nọi, nghèo khó nhất huyện. Phẩm chất tốt đẹp ở ông, khiến tôi quý trọng là từ một y sĩ tận tâm, tử tế, tốt tính, tốt bụng đi lên; gắng gỏi học hành đến nơi đến chốn, trở thành bác sĩ chuyên khoa thông thạo nghề nghiệp. Xứ núi này, ai cũng một ý: Cứ A Hồng là thầy thuốc trung thực, tử tế, trách nhiệm, hiệu quả trong công việc. Người bệnh dù là dân tộc Mông, Thái, Kinh, Dao... đều rãi bày: Cho dù bệnh tật ra sao, nhưng khi tiếp xúc với BS. Cứ A Hồng đều cảm thấy tự tin, mạnh mẽ hơn để chống chọi với tất cả mọi nguyên nhân gây ra bệnh tật!...

Mỗi khi nhìn người có chức quyền, tôi thường để tâm tới sự mở hướng, dẫn đường của họ hơn là sự ngặt nghèo trong quản lý. Bởi thế, tôi nể trọng bác sĩ, Giám đốc Cứ A Hồng bằng tâm đức của mình gây dựng nên lòng tin với gần 60.000 dân, với 12 dân tộc, thuộc 14 đơn vị hành chính của huyện; trong đó 91% là dân tộc Mông, trên xứ núi thẳm sâu đặc biệt khó khăn này. Phục tài tổ chức và quản lý cán bộ của ông, nên Trung tâm Y tế có tới 138 giường bệnh (bao gồm 65 giường tại Trung tâm, 73 giường tại Trạm Y tế xã) tương đương Bệnh viện đa khoa hạng III tuyến huyện với những chức năng không hề nhỏ, như: phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện theo đúng Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Trong khi số cán bộ viên chức chỉ vẻn vẹn 160 người, vậy mà lòng tin của dân với Trung tâm vẫn không ngừng được xây đắp... Nể trọng khi tai họa lũ ống, lũ quét đổ sập lên đầu lên cổ người dân nghèo khổ, thì Cứ A Hồng đã triển khai nhanh đội hình ứng phó đâu vào đấy. Bởi chính Cứ A Hồng chứ không ai khác từ rất lâu đã tư vấn cho UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh từ huyện tới xã. Kiện toàn đội cấp cứu lưu động và thanh khiết môi trường, lập tổ cấp cứu lưu động tại Trạm Y tế xã.

Triển khai đồng loạt công tác phòng dịch bệnh và các bệnh phát sinh theo mùa. Điều tra, giám sát các ca bệnh truyền nhiễm gây dịch, các ổ dịch cũ như quai bị, thủy đậu, cúm, lỵ... trên địa bàn. Chất lượng khám chữa bệnh không ngừng được nâng lên, thu hút được bệnh nhân vào điều trị nội trú, nhất là người dân tộc Mông ở những bản xa. Công nghệ thông tin được áp dụng vào chuyên môn khi kê đơn, làm bệnh án trên hệ thống phần mềm “Bệnh viện điện tử” Viettel - HiS, tự động liên thông với hệ thống phần mềm của BHXH, quản lý thuốc, quản lý nhân sự, vật tư y tế tiêu hao... Phối hợp với Phòng Y tế huyện, lập các nhóm hỗ trợ, Trạm Y tế xã xây dựng xã Mỗ Đề thành xã đạt Tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã...

Y sĩ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải điều trị cho bệnh nhân.

Y sĩ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải điều trị cho bệnh nhân.

“Người Ngành y phải coi trọng việc cứu giúp người, đừng nhăm nhắm chỉ lo kiếm tiền”! Ấy là thâm tâm và cũng là lời bộc bạch của BS. Cứ A Hồng. Hẳn vì thế nên đồng nghiệp gần gũi, mến mộ, học hỏi và theo gương ông. Những ca mổ khó, phức tạp ông đều chủ trì. Những tốp trực đêm, gặp ca nặng, họ đều cậy nhờ tới ông... Nhiều bệnh nhân ở bản xa, đêm tối, bệnh tình nguy kịch cần đưa tới bệnh viện cấp cứu, nhưng gia cảnh quá khó khăn, ông cho xe tới cứu chữa tại nhà... Y tế thôn bản là đường dây kết nối, thông tin quan trọng với Trung tâm, họ phải được tập huấn, được chỉ bảo thường xuyên, nên Cứ A Hồng thường bố trí thời gian, kể cả ngày nghỉ để đến với dân bản. Nhiều thôn, bản phải mất ngày mất buổi leo bộ mới tới, thế nhưng 28 năm là bác sĩ (kể từ khi ở bệnh viện đa khoa của huyện), ông đã tới trên 90 bản/120 thôn bản. Bởi thế dân bản mới nhận ông là bác sĩ của người Mông!

Chia xa Mù Cang Chải, tôi đem về lòng ngưỡng mộ, mến yêu Cứ A Hồng, bác sĩ người dân tộc Mông bởi trái tim nhân hậu luôn vì sự sống và sức khỏe của con người; bởi lý trí luôn vươn tới để hiểu biết cặn kẽ về khoa học, về tiến bộ của y học, vận dụng để phục vụ người dân nơi xứ núi xa xôi, gập ghềnh nghèo khổ nhất nước này! Cho dù, mỗi năm khi mùa thu sang, ruộng bậc thang của đồng bào Mông nơi đây, lúa vẫn chan chan vào vụ chín, nhuộm “Sóng vàng trên non”, rôm rả khách tứ phương!

(Chiều thu, Mù Cang Chải, 2017)


Bài và ảnh: Nguyễn Uyển
Ý kiến của bạn