Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Vô sinh - Hiếm muộn và bệnh lý nam khoa trong lực lượng công an nhân dân", do Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), tổ chức ngày 24/4, có sự tham gia của nhiều chuyên gia nam học, hỗ trợ sinh sản và di truyền.

Theo PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, vô sinh có xu hướng tăng nhanh thời gian gần đây. Tại Việt Nam, vô sinh, hiếm muộn là vấn đề phức tạp và đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân do yếu tố môi trường sống (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước…), áp lực cuộc sống hiện đại, áp lực về kinh tế, công việc, tuổi kết hôn và sinh con muộn, khoảng cách giữa các lần sinh xa, lối sống và hành vi tình dục không lành mạnh.
Còn Đại tá, PGS.TS Quản Hoàng Lâm, Nguyên Giám đốc Viện Mô Phôi Lâm sàng Quân đội - Chủ nhiệm Bộ môn Mô Phôi, Học viện Quân y, tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 6-10%, nhu cầu hỗ trợ sinh sản tăng. Trên thế giới, từ năm 1978 đến 2024 có khoảng 12 triệu bé IVF và trên 800 trung tâm hỗ trợ sinh sản. Tại Việt Nam từ năm 1997 đến 2024 có 15.000 em bé được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) với trên 40 trung tâm IVF.
Đối với vô sinh nam có nhiều nguyên nhân liên quan trước, tại và sau tinh hoàn.
Trước tinh hoàn có thể do suy trục dưới đồi-tuyến yên, dị ứng với gluten, rượu, thuốc lá, đạp xe hay cưỡi ngựa quá mức, tổn thương AND, gây rối loạn quá trình sinh tinh bởi hóa chất chống ung thư hay corticoid, cimetidine và spironolacton…
Tại tinh hoàn, các nguyên nhân có thể do giãn tĩnh mạch thừng tinh, tiền sử phơi nhiễm tia xạ, hóa chất độc, di truyền, ung thư tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ…. Và khoảng 30% không rõ nguyên nhân.
Sau tinh hoàn có thể do tắc ống dẫn tinh, bbất sản ống dẫn tinh, liên quan bệnh xơ nang,nhiễm khuẩn, virus, nấm (viêm tuyến tiền liệt), xuất tinh ngược dòng, tắc ống phóng tinh, lỗ tiểu thấp, rối loạn cương, liệt dương…
Nguyên nhân vô sinh nữ cũng đến từ nhiều nguyên nhân tại các khu như dưới đồi – tuyến yên, buồng trứng, vòi trứng/ ổ bụng, tử cung, cổ tử cung, âm đạo… Như tại ccổ tử cung có thể do hẹp cổ tử cung, kháng thể kháng tinh trùng, chất nhày bất thường với làm tổ.
Hiện nay có 15 kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng để điều trị vô sinh tại nước ta như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM), hỗ trợ phôi thoát màng, trữ phôi....

Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng có bài báo cáo cập nhật về chẩn đoán và điều trị vô sinh nam.
PGS.TS. Nguyễn Quang nhấn mạnh, để điều trị vô sinh nam cần hướng đến điều trị nguyên nhân khi có thể, đồng thời phối hợp: nội – ngoại khoa – hỗ trợ sinh sản, cải thiện lối sống, tối ưu tinh trùng và tư vấn tâm lý…
Đối với nội khoa, có thể áp dụng hormone, chống oxy hóa. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh, nam giới không dùng Testosterone khi muốn có con. Sử dụng các thuốc chống oxy hóa như như CoQ10, Vitamin C và E, kẽm, L-carnitine. Ngoài ra, cần điều chỉnh lối sống như ngừng hút thuốc uống rượu, giảm nhiệt độ bìu, tập thể dục điều độ…
Đối với vấn đề vô sinh trong lực lượng công an, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền cho hay, qua hoạt động khám chữa bệnh cho thấy vô sinh nam và nữ ngày càng tăng và nhu cầu điều trị lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Điều trị vô sinh - hiếm muộn hiện chưa được BHYT trả do chưa được coi là mã bệnh, dù đây là vấn đề sức khỏe cần điều trị lâu dài và tốn kém.

Chính vì thế, bệnh viện đang triển khai thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh sản và y học giới tính, nhằm hỗ trợ chiến sĩ tiếp cận điều trị vô sinh - hiếm muộn với chi phí thấp, chính sách ưu đãi, tạo động lực phấn đấu và duy trì chất lượng giống nòi. Trong đó, bệnh viện đưa vào hoạt động Đơn vị tư vấn, sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia).
Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh, mỗi năm ghi nhận 8.000 trẻ mắc mới và 800 thai nhi phù thai không thể chào đời. Việc sàng lọc, chẩn đoán sớm giúp giảm tỉ lệ trẻ sinh ra mắc thể nặng, đồng thời nâng cao chất lượng sống, giảm gánh nặng y tế cho cộng đồng và lực lượng công an. Cùng đó, chương trình sàng lọc tiền hôn nhân cũng được triển khai nhằm phát hiện sớm nguy cơ, can thiệp kịp thời, góp phần cải thiện chất lượng dân số.
Thu Hiền