Cứ mỗi 5 trường hợp mắc ung thư phổi trên thế giới, có 3 ca thuộc khu vực Châu Á
Các nước Châu Á đang chịu gánh nặng ung thư phổi lớn nhất thế giới, nhưng số ca tử vong do căn bệnh này có thể giảm xuống bằng cách tăng chẩn đoán sớm hơn thông qua việc tăng khả năng tiếp cận với sàng lọc và thay đổi cách thức tầm soát – theo một đồng thuận mới nhất của 19 chuyên gia khu vực Châu Á vừa được công bố trên Journal of Thoracic Oncology.
Trong các khuyến nghị được đưa ra, các chuyên gia đề xuất khẩn cấp chuyển đổi từ chụp X-quang ngực truyền thống sang một quy trình tiên tiến hơn được gọi là chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp. Quy trình này sử dụng máy tính với tia X liều thấp để tạo ra một loạt các hình ảnh, từ đó có thể phát hiện các bất thường ở phổi, bao gồm cả các khối u.
Một nghiên cứu lâm sàng tại Hoa Kỳ với hơn 50.000 người tham gia đã cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư phổi giảm 20% ở nhóm những người được sàng lọc với CT liều thấp (247 trường hợp tử vong trên 100.000 người/ năm) so với nhóm sử dụng phương pháp chụp X-quang ngực truyền thống (309 trường hợp tử vong trên 100.000 người/ năm) nhờ có thể phát hiện ung thư sớm hơn.
Những thay đổi này sẽ có tác động đáng kể trong việc cải thiện sống còn cho người dân khu vực châu Á, vì cứ mỗi 5 trường hợp mắc ung thư phổi trên thế giới thì có 3 trường hợp thuộc khu vực Châu Á tương đương khoảng hơn 1,3 triệu bệnh nhân. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm, ước tính có hơn 180.000 ca ung thư mới mắc, trong đó có khoảng 26.000 ca là ung thư phổi.
Cần áp dụng phương pháp sàng lọc với CT liều thấp trong sàng lọc ung thư phổi
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Bộ môn Phổi, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện Phổi TW cho biết: Chìa khóa để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam và châu Á là phát hiện chẩn đoán sớm khi mà các bác sỹ có thể chỉ định các phác đồ điều trị có hiệu quả cao, thậm chí là khỏi hẳn tức là phát hiện sớm ung thư phổi thì bệnh nhân có cơ hội được chữa khỏi cao hơn.
Tại Việt Nam, việc sàng lọc ung thư phổi bằng chụp CT phổi liều thấp đã được khuyến cáo trong "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ" của Bộ Y tế từ năm 2018, tuy nhiên việc thực hành đến nay còn nhiều hạn chế. Khuyến nghị được đồng thuận của các chuyên gia khu vực Châu Á một lần nữa thúc giục chúng ta phải hành động tích cực, khẩn trương hơn nữa, trong đó quan trọng nhất là cần áp dụng phương pháp sàng lọc với CT liều thấp như một công cụ sàng lọc chính.
"Đối với người hút thuốc 20 bao/ năm trở lên hoặc những người không hút thuốc nhưng gia đình có tiền sử mắc ung thư phổi, tuổi từ 50- 75 là đối tượng cần đưa vào chương trình sàng lọc này nếu chúng ta thực sự mong muốn giảm tử vong vì ung thư phổi"- PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Mặc dù hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu nhưng ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc lại chiếm một tỷ lệ đáng kể, đặc biệt là ở phụ nữ châu Á. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở châu Á cao hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở Châu Á có xu hướng được chẩn đoán mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn so với những người đang hút thuốc và người đã từng hút thuốc. Do đó, các chuyên gia đồng thuận rằng cần hỗ trợ bệnh nhân có nguy cơ cao tiếp cận các quy trình sàng lọc bất kể tình trạng hút thuốc của họ bằng cách xem xét các yếu tố như di truyền và nhân khẩu học.
Ở hầu hết các nơi trong khu vực Châu Á, CT liều thấp vẫn chưa được triển khai trong các chương trình khám sàng lọc, tầm soát ung thư phổi định kỳ. Các chuyên gia khuyến nghị tăng tỉ lệ tiếp cận với các chương trình khám sàng lọc phổi và chăm sóc tiếp theo bằng cách xây dựng một chương trình chuẩn hóa để theo dõi và lưu trữ thông tin chẩn đoán sau khi sàng lọc với CT liều thấp cho bệnh nhân, và xem xét các giải pháp chăm sóc toàn diện sức khỏe phổi, ví dụ như một chương trình khám sàng lọc, tầm soát ở cấp quốc gia.
Khuyến nghị nói trên là kết quả từ thảo luận sâu rộng giữa các chuyên gia đến từ Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, và Việt Nam... với sự tài trợ của Lung Ambition Alliance (Liên Minh Tham Vọng Phổi - LAA). Các chuyên gia cũng kêu gọi cải thiện việc kết hợp các chương trình cai thuốc lá cùng với các chương trình tầm soát ung thư phổi.