Cứ 4 người Việt trưởng thành có 1 người mang bệnh được ví như "kẻ giết người thầm lặng"

30-11-2019 17:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thống kê tại Việt Nam có 25,1 % dân số tuổi từ 25 trở lên bị bệnh lý cao huyết áp. Điều này tương đương với tỉ lệ cứ 4 người trưởng thành có 1 người cao huyết áp. Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi hầu hết người bệnh không hề có triệu chứng gì, và khi mà có triệu chứng trên lâm sàng thì đã biến chứng.

 

Thông tin được  GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết tại Lễ công bố Quyết định số 1133/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc công nhận, giao nhiệm vụ tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật tim mạch cho Bệnh viện Tim Hà Nội diễn ra chiều ngày 29/11.

Theo đó, Bệnh viện Tim Hà Nội được công nhận và giao nhiệm vụ tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành tim mạch. Bệnh viện Tim Hà Nội tham gia cùng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên ngành tim mạch theo sự phân công của Bộ Y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc công nhận, giao nhiệm vụ tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật tim mạch cho GS.TS Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội

Chia sẻ thêm thông tin về bệnh lý tim mạch nói chung diễn tại Hội nghị Khoa học tim mạch của Bệnh viện Tim Hà Nội diễn ra ngay sau đó, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho hay, tỉ lệ đột quỵ không ngừng gia tăng ảnh hưởng nhiều từ các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh lý tăng huyết áp. Tăng huyết áp được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", bởi hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng gì. Đa số họ không biết mình có bệnh đến khi có triệu chứng trên lâm sàng đã có biến chứng, ví dụ như khó thở do suy tim, đau ngực do suy vành hoặc tê biến nửa người do tai biến.

“Đây là biến chứng trầm trọng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuốc sống, tuổi thọ, kinh tế gia đình mà rộng hơn ảnh hưởng đến cả kinh tế xã hội. Điều này cảnh báo cho bệnh nhân thấy cần phải quan tâm hơn đến huyết áp của mình để tránh cơn đột quỵ”- GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cũng nêu thực trạng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ gặp nhiều trường hợp bỏ qua giai đoạn “cửa sổ vàng” trong đưa bệnh nhân đến viện khi bị đột quỵ. Nhiều người bị tai biến nhưng theo quan niệm dân gian gọi là trúng gió và vì nghĩ là trúng gió nên thường người nhà để bệnh nhân ở nhà cạo gió, bôi dầu cao mà bỏ qua thời gian vàng đưa bệnh nhân đến viện sớm nhất.

Người dân được các nhân viên y tế Bệnh viện Tim Hà Nội khám sàng lọc, tư vấn điều trị tăng huyết áp tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ.

“Cửa sổ vàng” đối với các bệnh nhân đột quỵ là trong khoảng thời gian từ 3 - 6 giờ sau khi xảy tai biến. Nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm hoàn toàn có thế xử lý tốt nhất cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, thời gian qua gia tăng các ca cấp cứu người lớn phải phẫu thuật tim do tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim. Đáng lưu ý, bệnh viện đã tiếp nhận và cứu chữa nhiều ca đột quỵ do tăng huyết áp mà người bệnh không hay, đã có những trường hợp nhồi máu cơ tim được cứu sống.

Thông tin thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Sinh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết tại Bệnh viện Tim Hà Nội, với hỗ trợ của hệ thống tim phổi nhân tạo, các bác sĩ đã phẫu thuật cứu sống các bệnh vỡ tim do nhồi máu cơ tim. Hệ thống này giúp duy trì huyết áp, duy trì tuần hoàn cho bệnh nhân, nhờ đó bệnh nhân không bị mất não và được cứu sống ngay cả khi bị suy tim nặng, có sốc tim. Nếu không được xử trí kịp thời, có thể bệnh nhân vỡ tim đã chết trước khi phẫu thuật.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, thời gian qua đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, hoàn chỉnh trong lĩnh vực tim mạch với 5 mũi nhọn: Phẫu thuật, can thiệp, nội khoa, nhi khoa và tim mạch chuyển hóa. Hằng năm, các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật cho khoảng 2.000 bệnh nhân, trong đó khoảng 700 ca mổ tim cho trẻ em được thực hiện.

 

Phát biểu tại Lễ công bố, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, đây là bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự phát triển của bệnh viện. Đây là thành quả của các thế hệ cán bộ y tế bệnh viện trong suốt 15 năm qua.

Từ một Bệnh viện nhỏ, đến nay Bệnh viện Tim Hà Nội hiện là bệnh viện duy nhất trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được Bộ Y tế giao là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành tim mạch cho 16 bệnh viện vệ tinh trên cả nước như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai... Bệnh viện Tim Hà Nội cũng là một điển hình trong thực hiện tự chủ tài chính và xã hội hóa thành công.

Trong năm 2019, Bệnh viện Tim Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành hầu hết các hoạt động và đảm bảo tiến độ chuyển giao cho các bệnh viện vệ tinh bằng nhiều hình thức như tổ chức các lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cử cán bộ trực tiếp và hỗ trợ về công nghệ thông tin cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới.

Đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã biên soạn mới, hoàn thiện, phát triển trình Bộ Y tế thẩm định hàng loạt chương trình đào tạo, đề cương chuyển giao kỹ thuật để phục vụ chuyển giao các gói kỹ thuật. Qua đó giúp cho nhiều Bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch…, nhất là “giữ chân” được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên như Bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ...

Thái Bình
Ý kiến của bạn