Hà Nội

Cứ 4 người thì 1 người tăng huyết áp, bác sĩ hướng dẫn cách xử lý cơn tăng huyết áp đột ngột

16-08-2023 15:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh tăng huyết áp không biết hoặc chủ quan không điều trị dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Ở nước ta hiện nay, trung bình cứ 4 người thì có 1 người bị tăng huyết áp và đây là nguyên nhân gây tử vong sớm trên toàn cầu.

Dấu hiệu tăng huyết áp

Có tới 1/3 bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng và chỉ tình cờ biết khi đi khám sức khỏe. Các dấu hiệu của tăng huyết áp khá chung chung, không mang tính chất đặc hiệu. Một số dấu hiệu nghi ngờ tăng huyết áp bệnh nhân thường có thể gặp:

- Đau đầu, đau xung quanh cả đầu

- Mệt mỏi, chóng mặt

- Khi huyết áp tăng lên, một số người có thể gặp tình trạng nóng mặt.

Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào các triệu chứng trên, khó để chẩn đoán tăng huyết áp. Những người từ 40 tuổi trở lên nên kiểm tra huyết áp định kỳ theo tuần để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp kịp thời. Rất nhiều bệnh nhân tăng huyết áp nhưng không được phát hiện để điều trị. Một số bệnh nhân khác điều trị không tuân thủ theo thuốc. Và có tới 30-40% điều trị theo thuốc nhưng không hiệu quả hạ huyết áp, chủ quan không đi khám lại. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cộng đồng.

BS. Nguyễn Huy Hoàng hướng dẫn cách xử lý khi có cơn tăng huyết áp đột ngột.

Cơn tăng huyết áp đột ngột là gì?

Cơn tăng huyết áp đột ngột là tình trạng huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) lớn hơn 180mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương lớn hơn 120mmgHg). So với huyết áp thông thường 120/80 mmHg.

Khi gặp tình trạng tăng huyết áp đột ngột, bệnh nhân có một số biểu hiện như đột nhiên đau đầu dữ dội, đau ngực dữ dội, người mệt mỏi…

Ngoài ra còn có những biểu hiện thường liên quan đến những biến chứng mà cơn tăng huyết áp đột ngột gây ra: cơn đau thắt ngực, lú lẫn, lơ mơ, thậm chí có thể co giật. Nếu có cơn đột quỵ có thể bị liệt, yếu một bên người, méo miệng, hôn mê…

Cách xử lý khi tăng huyết áp đột ngột

Trong trường hợp bệnh nhân vẫn đang còn tỉnh thì sử dụng các thuốc hạ áp có tác dụng nhanh như captopril hoặc dòng nifedipine. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp kiểm tra không thấy hơi thở của bệnh nhân hoặc không thấy nhịp tim cần thực hiện hô hấp nhân tạo ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt. Nếu bệnh nhân hôn mê, phải giữ cho đường thở của bệnh nhân thông thoáng, không bị các chất dịch chèn ép đường thở.

Tăng huyết áp có nguy hiểm không?

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp khi được bác sĩ kê đơn điều trị, sau một thời gian bệnh nhân tự cảm thấy tình hình sức khỏe ổn định và tự ý bỏ thuốc. Đồng thời nghe theo những thông tin không chính thống dẫn để điều trị tới tình trạng huyết áp tăng và gây ra các biến chứng.

Tăng huyết áp có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Đầu tiên, khi huyết áp tăng, tim cần hoạt động nhiều hơn để bơm máu. Khi áp lực máu lên thành mạch cao sẽ gây ra tình trạng viêm và xơ vữa thành mạch. Do vậy biến chứng của tăng huyết áp sẽ gây ra từ sự quá tải cho tim và xơ vữa của mạch máu. Tại tim, có thể gây ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim… Tại các mạch máu có thể gây ra xơ vữa mạch máu, làm tăng tình trạng xuất hiện các cục máu đông. Ngoài ra còn gây tổn thương các cơ quan khác có mạch máu như tình trạng đột quỵ não, thận, mắt… Tất cả các biến chứng do tăng huyết áp gây ra đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cứ 4 người thì 1 người tăng huyết áp, bác sĩ hướng dẫn cách xử lý cơn tăng huyết áp đột ngột - Ảnh 2.

Người bệnh tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên.

Bệnh nhân tăng huyết áp cần lưu ý nghiêm túc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Hầu như những người tăng huyết áp thường kèm theo một số bệnh lý như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý mạn tính… Bệnh nhân tăng huyết áp cần quan tâm để điều trị các bệnh lý nền đi kèm.

Bệnh tăng huyết áp có thể chữa khỏi không? Hiện tại bệnh tăng huyết áp chia làm 2 loại nguyên phát và thứ phát. Nếu bệnh tăng huyết áp do nguyên nhân cụ thể gây ra, bệnh nhân sẽ điều trị theo nguyên nhân. Sau khi điều trị có thể giúp người bệnh quay trở lại trạng thái bình thường.

Tuy nhiên có tới 95% bệnh nhân tăng huyết áp do nguyên phát (không rõ nguyên nhân). Trường hợp này, người bệnh phải điều trị lâu dài. Các loại thuốc hiện nay cần thực hiện hàng ngày và phối hợp nhiều loại thuốc giống nhau. Bệnh tăng huyết áp không điều trị dứt điểm, chỉ có cách kiểm soát tốt huyết áp không gây ra biến chứng.

Phòng ngừa tăng huyết áp

Đa phần bệnh tăng huyết áp là vô căn (chưa rõ nguyên nhân) vì vậy bệnh nhân cần phải giải quyết các yếu tố nguy cơ như giảm cân, chế độ ăn uống hợp lý. Khuyến khích ăn đồ ăn nhiều chất xơ, thực phẩm chứa nhiều acid béo Omega3. Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó cần tăng cường vận động, bỏ các chất kích thích rượu bia thuốc lá…

Xem thêm video được quan tâm:

Có nên giảm cân bằng chuối? | SKĐS


BS. Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga , Bộ Quốc Phòng
Ý kiến của bạn