Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp (THA) ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính. THA là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu (12,7%), cao hơn các nguyên nhân khác. Tần suất THA của người lớn trên thế giới là khoảng 41% ở các nước phát triển và 32% ở các nước đang phát triển.
Tăng huyết áp đang trở thành một vấn đề thời sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng. Cũng theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị THA. Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006, có khoảng 74,5 triệu người Mỹ bị THA, tức là cứ khoảng 3 người lớn lại có 1 người bị THA. Nhưng một điều đáng lưu tâm hơn là tỷ lệ những người bị THA còn đang gia tăng một cách nhanh chóng ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.
Tại Việt Nam, tần suất THA ở người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960 tỷ lệ THA là khoảng 1%, năm 1992 là 11,2%, năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%. Theo một điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (từ 25 tuổi trở lên) tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì tỷ lệ THA đã tăng lên đến 25,1%, nghĩa là cứ 4 người lớn ở nước ta thì có 1 người bị THA (!!!). Với dân số hiện nay của Việt Nam là khoảng 88 triệu dân thì ước tính sẽ có khoảng 11 triệu người bị THA.
Trong số những người bị THA thì có tới 52% (khoảng 5,7 triệu người) là không biết mình có bị THA; 30% (khoảng 1,6 triệu người) của những người đã biết bị THA nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào; và 64% những người đó (khoảng 2,4 triệu người) THA đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp về số huyết áp mục tiêu. Như vậy hiện nay Việt Nam có khoảng 9,7 triệu người dân hoặc là không biết bị THA, hoặc là THA nhưng không được điều trị hoặc có điều trị nhưng chưa đưa được số huyết áp về mức bình thường.
Trong báo cáo về sức khỏe hàng năm của WHO năm 2002 đã nhấn mạnh THA là “kẻ giết người số một”. Năm 2008, người ta ước tính có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới bị tử vong do THA và các biến chứng tim mạch. Theo một điều tra tại Mỹ năm 2006 đã cho thấy trên 56.000 người Mỹ bị tử vong vì THA. Với mỗi mức HA tâm thu tăng lên 20mmHg và HA tâm trương tăng lên 10mmHg thì nguy cơ các biến cố tim mạch cũng sẽ tăng lên gấp đôi. THA là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.
Chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn vào những thực tế khách quan đang còn tồn tại ở nước ta là nhận thức của nhân dân về sự thường gặp, về mức độ nguy hiểm của bệnh còn chưa đầy đủ và đúng mực. Việc điều chỉnh để có một lối sống hợp lý là vấn đề rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh THA nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không đơn giản vì những thói quen sinh hoạt không hợp lý đã tồn tại từ khá lâu và nhận thức của người dân cũng còn những hạn chế nhất định. Người bệnh THA lại thường hay có nhiều bệnh lý khác đi kèm như: béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... làm cho việc khống chế số đo HA càng khó khăn hơn. Việc điều trị THA cần phải được thực hiện một cách liên tục và lâu dài, tuy nhiên trên thực tế, nhiều người bệnh chưa thực hiện được đúng theo những nguyên tắc này, cũng có thể do người bệnh tự lầm tưởng là bệnh đã khỏi hoặc do điều kiện kinh tế còn có khó khăn, không tiếp tục mua được thuốc nữa hoặc do một vài tác dụng phụ của thuốc gây ra đối với bệnh nhân...
Do vậy, cần có những chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng về THA và những biến chứng nguy hiểm của bệnh để nâng cao nhận thức của người dân trước “kẻ giết người số một” này, từ đó thực hiện những biện pháp phòng, chống bệnh THA một cách hữu hiệu nhất.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt