Theo đó, thông tin tại hội nghị, TS Trần Thị Hà An cho hay, Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng ngày càng nhanh. Kéo theo đó, các bệnh lý liên quan đến tuổi già cũng tăng lên đáng kể, trong đó có tình trạng sa sút trí tuệ.
“Hiện trên thế giới cứ 3 giây lại có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ”, TS. An nhấn mạnh.
Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác,… Ngoài ra, người bệnh sa sút trí tuệ có thể có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý, hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tùy từng thể, từng giai đoạn của bệnh.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân vào viện thường có triệu chứng bệnh Alzheimer, có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát.
Cũng theo Ts An, thực tiễn điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần cho thấy, bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người già mà còn là những người có tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì/ đái tháo đường type 2… Trong đó, nữ giới mắc bệnh nhập viện nhiều hơn.
“Sa sút trí tuệ là bệnh của người già nhưng không phải tất cả người già đều mắc bệnh, cũng không phải người trẻ thì không mắc bệnh này. Mặt khác, rất ít người già chỉ mắc sa sút trí tuệ đơn thuần mà thường là mắc kèm theo các bệnh lý khác” – TS Hà An nói.
Ngoài ra, một điều cũng rất đáng lo ngại, đó là kết quả khảo sát những người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ cho thấy, nhóm này hay bị ốm hơn những người thường, số lần phải khám bệnh của những người chăm sóc người bị sa sút trí tuệ tăng lên, dùng thuốc nhiều hơn. Nguy cơ trầm cảm cao hơn và phải nhập viện cũng cao hơn.
"Vì thế mới có chuyện ở Viện chúng tôi, bác sĩ chăm sóc cho người bệnh sa sút trí tuệ 1 thì cũng phải tư vấn, hỗ trợ cho người chăm sóc 2” – TS Hà An chia sẻ.
TS Trần Thị Hà An cũng cung cấp thêm thông tin, trong các bệnh lý về sa sút trí tuệ thì Alzheimer chiếm đến 60% tỷ lệ người mắc bệnh.
sa sút trí tuệ gây ra gánh nặng lớn cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Vì thế, việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị có thể dùng thuốc, không dùng thuốc hoặc chăm sóc toàn diện sẽ giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
1. Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày.
2. Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề. 3. Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc.
4. Nhầm lẫn về thời gian và không gian. 5. Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.
6. Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/ đọc.
7. Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.
8. Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.
9. Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.
10. Thay đổi cảm xúc và nhân cách.