56% trường hợp tăng huyết áp và gần 69% bệnh nhân đái tháo đường không biết mình bị bệnh
Thông tin trên được đưa ra tại lớp đào tạo cập nhật kiến thức và Hội thảo phổ biến hướng dẫn, tại liệu đào tạo về quản lý, điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường tại Trạm Y tế xã do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia và giảng viên quốc gia về đào tạo bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho trạm y tế xã đến từ các bệnh viện trung ương, Viện chuyên ngành của Bộ Y tế, các Trường Đại học Y Dược… tham dự.
Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép là bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng và chiếm trên 60% số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện. Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người tử vong, có gần 8 người do bệnh không lây nhiễm. Ước tính 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73%. 44% số tử vong do bệnh không lây nhiễm là trước 70 tuổi.
ThS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu tại lớp đào tạo cập nhật kiến thức và Hội thảo phổ biến hướng dẫn, tài liệu đào tạo về quản lý, điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường tại Trạm Y tế xã
Năm nhóm bệnh không lây nhiễm có gánh nặng bệnh tật lớn là bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, ung thư và các rối loạn tâm thần.
Để ứng phó với gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
ThS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong những năm qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều lớp đào tạo về quản lý, điều trị tặng huyết áp và đái tháo đường cho Trạm Y tế xã. Đây là 2 bệnh thường gặp và phổ biến, nếu được phát hiện và quản lý, điều trị tại tuyến cơ sở sẽ góp phần tiết kiệm cho quỹ BHYT và giúp người dân tiết kiệm thời gian và phi chí đi lại khi không phải lên tuyến trên điều trị.
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong số người trưởng thành thì có khoảng 20% người mắc tăng huyết áp; 4% dân số mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên có đến 56% trường hợp tăng huyết áp không biết mình bị bệnh, con số này của đái tháo đường là 68,9%.
Hiện chỉ có 13,6% người bệnh tăng huyết áp và 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý điều trị. Do việc phát hiện và quản lý điều trị còn hạn chế nên tỷ lệ người bệnh trong cộng đồng có huyết áp ổn định rất thấp chỉ khoảng 9%.
Theo các chuyên gia việc quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cần phải thực hiện ở tất cả các tuyến. Trong đó, bệnh viện cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân nặng, nhiều biến chứng; hỗ trợ cho tuyến dưới quản lý điều trị những trường hợp tuyến dưới có khả năng thực hiện. Trạm Y tế trước mắt quản lý điều trị những trường hợp vừa và nhẹ, có thể đã được chẩn đoán và điều trị ở tuyến trên. Khi trình độ tốt hơn thì có thể từng bước tiếp nhận bệnh nhân nặng hơn, do hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường đều điều trị ngoại trú.
Vì vậy, tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống có thể tổ chức các hình thức như thành lập các câu lạc bộ, thăm hộ gia đình….,huy động tất cả chính quyền, bàn ngành đoàn thể xã hội cùng tham gia quản lý điều trị tại cộng đồng.
Quản lý bệnh không lây nhiễm tại cơ sở: Giảm tải cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho người dân
Việc theo dõi, quản lý người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế mang lại nhiều cái lợi
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý bệnh không lây nhiễm nói chung, trong đó có bệnh tăng huyết áp và ung thư nói riệng, ông Ong Thế Viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, hàng năm, Sở Y tế tiến hành đào tạo và chuyển giao cho 35 trạm y tế xã phường thị trấn quản lý, điều trị ngoại trú tăng huyết áp và từ năm 2017, mỗi năm triển khai thêm 15 trạm y tế xã quản lý bệnh đái tháo đường. Hiện toàn tỉnh có 16/20 phòng khám đa khoa và 205/218 trạm y tế xã phường tiến hành quản lý bệnh không lây nhiễm.
Đến nay, Bắc Giang đã quản lý được 23.000 bệnh nhân tăng huyết áp và hơn 4.000 bệnh nhân đái tháo đường tại tuyến cơ sở, đồng thời ngành y tế cũng bước đầu triển khai thực hiện quản lý bệnh ung thư, COPD tại trạm y tế.
“Để làm được điều này, đòi hỏi phải có cơ chế tài chính riêng cho các trạm y tế xã. Từ kinh nghiệm của Bắc Giang cho thấy, ngành y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai các Nghị quyết 20 và quyết định của Chính phủ về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong đó có bệnh không lây nhiễm, để các cấp, các ngành liên quan cùng vào cuộc như ngành tài chính, BHXH...”- ông Ong Thế Viên chia sẻ
Theo ông Viên, việc triển khai quản lý bệnh không lây nhiễm đến các cơ sở y tế tuyến dưới mang lại nhiều cái lợi cho cả người dân và ngành y tế cũng như cho quỹ BHYT. Theo đó, giúp người dân không phải tốn kém chi phí để lên tuyến trên mà được theo dõi, quản lý về bệnh của mình ngay tại cơ sở, được lấy thuốc tại đó luôn, điều này giúp cho bệnh viện tuyến trên đỡ rơi vào tình trạng quá tải không cần thiết...