“Ngày trọng yếu”
“CPTPP trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và giờ đây Tổ chức Kinh tế Thế giới đang ở trong tình trạng vô cùng hóc búa” – Bộ trưởng Thương mại và Thúc đẩy Xuất khẩu New Zealand David Parker tuyên bố ngay sau khi Australia trở thành nước thứ 6 đặt bút ký phê chuẩn Hiệp định này. Ông Parker mô tả ngày hôm đó là “ngày trọng yếu” đối với New Zealand và nền thương mại thế giới.
Hiệp định CPTPP được đề ra nhắm đến mục tiêu tạo thuận lợi trong việc mua bán, giao thương được dễ dàng và cắt giảm thuế quan giữa các nước thành viên tham gia ký kết với cộng đồng xấp xỉ 500 triệu người cùng mức GDP lên đến 13,5 nghìn tỷ USD. Mỹ là quốc gia khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định này sau khi trở thành vị tổng thống thứ 45 của Mỹ. Kết quả, Hiệp định TPP được điều chỉnh thành CPTPP với sự tham gia của 11 nước thành viên còn lại, và chính thức được ký kết ở Chile hồi tháng 3 năm 2018. Hiện có 6 quốc gia đã phê chuẩn; bao gồm Nhật Bản, Canada, Mexico, Singapore, New Zealand và Australia. Các quốc gia còn lại chưa phê chuẩn gồm có Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam.
Hiệp định CPTPP gồm 07 Điều và 01 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP. Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng) để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
Mặc dù các nước thành viên CPTPP đã quyết định tạm hoãn áp dụng một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao nhưng về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, các nước thành viên CPTPP cũng ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương dưới hình thức các thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ. Bên cạnh một số thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ có nội dung tương tự như các văn bản đã được ký trong khuôn khổ Hiệp định TPP vào năm 2016, Việt Nam có một số thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mình theo hướng được phép có những linh hoạt hoặc một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định để thực thi một số cam kết của Hiệp định. Cụ thể, Việt Nam đã nhận 2 thư về vấn đề kinh tế thị trường (từ Canada và Mehico), ký 64 thư trao đổi song phương và 2 Bản ghi nhớ với các nước.
Thể hiện mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế
Sáng 5/11, Quốc hội Việt Nam đã thảo luận về việc xem xét thông qua Hiệp định CPTPP. Các đại biểu muốn Chính phủ tận dụng các cơ hội, hạn chế thách thức mà hiệp định này đem lại cho Việt Nam.
Đối với Việt Nam, việc quyết định tham gia, đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây và sau này là CPTPP được nhận định là đã trải qua một quá trình dài với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và bám sát vào những định hướng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền. Kết quả đàm phán đạt được, về cơ bản, đã đảm bảo được các lợi ích cốt lõi của Việt Nam cũng như dành được nhiều bảo lưu, linh hoạt để thực thi Hiệp định hiệu quả, có lợi cho đất nước.
Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên giúp Việt Nam thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với nhiều đối tác chiến lược là thành viên CPTPP, tạo thế tốt hơn cho ta trong quan hệ kinh tế quốc tế và cân bằng quan hệ với các nước lớn.
Tuy nhiên, tham gia CPTPP cũng đồng thời đặt ra những thách thức mà Việt Nam cần nỗ lực vượt qua. Chắc chắn, việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng v.v. đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện, ngăn chặn những phần tử xấu lợi dụng để quấy phá, chống đối. Quan trọng hơn, Việt Nam cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý mới để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội trong nước. Đó là những thách thức hoàn toàn không giản đơn.