Hà Nội

CPTPP chính thức có hiệu lực ở Việt Nam – cơ hội và thách thức

15-01-2019 10:35 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 14/1 đã ghi một dấu mốc trên chặng đường phát triển kinh tế của Việt Nam, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với nước ta. CPTPP không chỉ mang tới cơ hội mà còn đặt ra nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam...

Mở toang cánh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài

Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định, từ ngày 14/1/2019, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thực thi Hiệp định.

Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Việc tham gia CPTPP sẽ mang lại nhiều  lợi  ích cho Việt Nam.

Từ lâu, Việt Nam đã là một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Giờ đây, Việt Nam sẽ càng trở thành nơi hút nguồn vốn nước ngoài  mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 1,32 % và xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,04% đến năm 2035. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận với một thị trường khổng lồ lên tới 500 triệu người tiêu dùng.

CPTPP chính thức có hiệu lực ở Việt Nam  – cơ hội và thách thứcCPTPP không chỉ đem đến cơ hội mà còn đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam.

Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử... Ngay khi CPTPP có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam xuất sang 6 nước đã phê chuẩn CPTPP sẽ được hưởng ưu đãi thuế, trung bình mức thuế được giảm khoảng 60%, và sau 3 năm nữa sẽ tăng lên 80%, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, gỗ… sẽ được hưởng lợi.

Về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc mở cửa thị trường không phải là cơ hội lớn nhất của Việt Nam khi tham gia CPTPP, mà là cải cách thể chế. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.

Thách thức khi CPTPP có hiệu lực

Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM)  cho biết:  "Một khi đã bước vào cuộc chơi, thì cũng cần phải chấp nhận sẽ có những rủi ro, thách thức. Những rủi ro, thách thức đôi khi lại là điều cần thiết để có cơ hội tốt cho phát triển bền vững và nhanh hơn".

CPTPP chính thức có hiệu lực ở Việt Nam  – cơ hội và thách thứcViệt Nam trở thành quốc gia thứ 7 Hiệp định CPTPP có hiệu lực

Điều này cho thấy thách thức mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt không hề nhỏ. Một khi cửa đã mở, các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với sức ép từ các doanh nghiệp nước ngoài, họ sẽ phải chơi một cuộc chơi sòng phẳng, công bằng với nhiều ràng buộc pháp lý, nếu không muốn mất lợi thế.

Ví dụ như với các hiệp định thương mại tự do trước đây, với một số thị trường, mở cửa không khiến cho xuất khẩu tăng lên mà lại thúc đẩy nhập khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại. Hay các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn về môi trường, sản phẩm …. chắc chắn sẽ gây khó cho những doanh nghiệp Việt Nam chậm đổi mới, chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa của mình.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cơ hội và thách thức từ CPTPP, cái nào nhiều hơn sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính Việt Nam, đây là cơ hội để Việt Nam vươn mình thay đổi vị thế, khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế.


Hải Yến
Ý kiến của bạn