Hàng trăm triệu người bị nhiễm bệnh, hàng mấy triệu người bị tử vong. Bức tranh kinh tế thế giới trong 2 năm 2020-2021 quá ảm đạm khi nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, có ngành đứng trên bờ vực phá sản. Mức độ giảm sút kinh tế toàn cầu trong đại dịch vượt hẳn những mốc lịch sử đen tối của loài người như 2 cuộc chiến tranh thế giới và đại suy thoái 2009 với thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đô la Mỹ. Lúc này đây, đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt, buộc con người vẫn phải hết sức cẩn trọng.
Nếu như coi văn hóa theo khái niệm rộng liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người thì sự suy giảm kinh tế thế giới trong 2 năm qua cũng là một hệ lụy không thể không tính đến trong cú "va chạm thế kỷ" giữa đại dịch COVID-19 với văn hóa toàn cầu.
Nó thực sự là cuộc đại chiến vô thanh với một kẻ thù gần như vô hình nhưng cực kỳ nguy hiểm. Những con virus tinh quái lặng lẽ tuyên chiến với con người vốn được coi là "sinh vật có ý thức" (thông minh nhất) trên hành tinh xanh thuộc hệ mặt trời mà ta chỉ có thể ví như một cọng cỏ mong manh giữa thảo nguyên vũ trụ bao la hơn cả bao la.
Nỗi mất mát, đau thương của nhân loại trong đó có Việt Nam khó quên được. Nhưng ở phía khác, con người càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của sự kết nối, hợp tác mang ý nghĩa nhân văn cao cả trên phạm vi toàn cầu trước những thách thức không nhỏ. Những thách thức đến từ thiên nhiên và ngay cả trong xã hội liên quan tới sự tồn tại của con người. Có lúc, không ít người thảng thốt, giật mình nghĩ rằng "ngày tận thế" chẳng phải là câu chuyện bày đặt của kinh thánh.
Mối nguy xung đột, chiến tranh thức tỉnh loài người phải chung tay gìn giữ hòa bình. Mối nguy biến đổi khí hậu không là nỗi lo của riêng ai; quốc gia nào cũng buộc phải nhận thức nghiêm ngắn và hành động đúng đắn mà COP26 vừa rồi là một ví dụ gần nhất. Mối nguy dịch bệnh cũng là của chung nhân loại và chúng ta thấy chưa bao giờ những cảm nhận về lòng yêu thương, sự chia sẻ của con người, vì con người được thể hiện gần gũi và rõ ràng như thế.
Yêu thương, chia sẻ là giá trị văn hóa xuyên suốt, là hằng số đạo đức của con người. Không phải tự nhiên, dân tộc Việt Nam lại rất đề cao lòng yêu thương. "Thương người như thể thương thân" (Ca dao). Cả loài người đã ở bên nhau trong cuộc chiến chống COVID-19 và trước những biến chủng không lường hết được của nó, chúng ta cần/ phải chọn cách "sống chung với kẻ thù" như kiểu "sống chung với lũ" thì nhân loại cũng không thể hành xử theo cách "mạnh ai nấy chạy" được. Virus Corona không biết phân biệt quốc gia, tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc... nên sự giúp đỡ, tương trợ, phối hợp của con người trong cuộc ứng phó với đại dịch này không nằm ngoài lựa chọn phù hợp nhất. Nói hơi quá một chút là, chính đại dịch đã "làm" cho con người tốt hơn.
Không quốc gia nào, dù giàu mạnh đến mấy giữ được an toàn khi trên trái đất còn có quốc gia không an toàn. Không ai có thể an toàn khi trong cộng đồng còn có người bị nhiễm COVID-19. Một thế giới yên lành chỉ được tạo dựng khi con người biết yêu thương và chia sẻ. Nước giàu chia sẻ cho nước nghèo vaccine, thuốc điều trị và các thiết bị phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua là biểu hiện sinh động cho những điều trên.
Nụ cười là nét đẹp của con người. Trong cuộc sống đời thường và trong nghi thức ngoại giao không thể thiếu nụ cười. Người Việt ví von "Người là hoa của đất" thì nụ cười là hoa của hoa đấy chăng. Thế mà, những nụ hoa của hoa ấy lại bị khuất che trong thời đại dịch COVID-19. Chắc trước khi virus Corona bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) thì chưa ai nghĩ tới sự lên ngôi của chiếc khẩu trang vải bé nhỏ có kích thước chỉ bằng một bàn tay người lớn. Nếu cần lấy một biểu tượng cho thời COVID-19, tôi đề nghị các nhà sáng tác quan tâm đến chiếc khẩu trang. Nó trở thành "chiếc khiên" mềm mại chống đỡ những "mũi giáo" cũng mềm mại không kém là giọt bắn chứa virus Corona. Ðeo khẩu trang trở thành nét văn hóa của con người, nghe có vẻ kỳ khôi mà đúng vậy.
Cú "va chạm" không hề nhẹ giữa COVID-19 với nền văn hóa toàn cầu tạo ra những đổi thay chẳng khó nhận thấy. Một thế giới luôn ồn ào, nhộn nhịp cơ hồ đã lắng lại. Tốc độ sống ào ạt cũng bị "cái phanh Corona" làm chậm lại. Thói quen xê dịch của con người bị can thiệp quyết liệt. Rất nhiều thói quen, nề nếp của con người buộc phải điều chỉnh thay đổi.
Nếu chọn nhân vật trung tâm của thời COVID-19, tôi sẽ không ngần ngại đề cử thầy thuốc. Họ thực sự là lực lượng quan trọng nhất ở tuyến đầu phòng chống đại dịch COVID-19. Chịu nhiều vất vả cũng là dễ gặp rủi ro nhất trong đại dịch. Nhìn tổng thể, tổ chức y tế trên phạm vi thế giới cũng như Việt Nam đã có công lớn trong cuộc đối phó với COVID-19. Có bác sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến không tiếng súng này. Sự cống hiến, hy sinh của thầy thuốc là vầng sáng của đạo đức, nhân phẩm vốn được coi là giá trị cốt lõi của văn hóa con người.
Trực tuyến! Chưa bao giờ hai tiếng đó vang lên nhiều như thời COVID-19. Hội đàm, hội nghị, hội thảo trực tuyến. Chương trình ca nhạc trực tuyến. Triển lãm trực tuyến. Giáo dục có khai giảng trực tuyến và dạy học trực tuyến. Năm học bị gián đoạn, chia cắt theo tình hình dịch bệnh. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng như thế. May mà công nghệ số phát triển nên còn có lối thoát cho nhiều hoạt động của con người.
Cú va chạm giữa đại dịch COVID-19 với văn hóa toàn cầu mang tính chất lịch sử trong một thế kỷ có sự phát triển kỳ diệu của khoa học công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trở thành hiện thực trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ phát triển đến đâu thì con người cũng phải biết thân thiện với thiên nhiên và sống tốt đẹp với nhau. Ðại dịch COVID-19 là một nhắc nhở vô cùng cần thiết. Con người phải thức tỉnh và hãy cảnh giác với chính mình để đẩy văn hóa lên tầm cao mới. Ðó là văn hóa của con người, vì con người mang cái đẹp yêu thương và chia sẻ. Ðó là văn hóa thể hiện sự chân - thiện - mỹ, lấy nhân đạo làm mẫu số chung của loài người.
Video đang được quan tâm
Mùa Xuân Nho Nhỏ - Phương Nga Sao Mai