Hà Nội

COVID-19 và xu hướng làm việc từ xa

24-08-2020 11:21 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nền kinh tế thế giới đã trải qua 8 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong bối cảnh vắc xin phòng chống dịch khó được phân phối quy mô lớn trong tương lai gần, thị trường việc làm sẽ có những thay đổi mang tính căn bản, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển có tiềm lực công nghệ tiên tiến.

Nhiều tập đoàn lớn đã nới rộng phạm vi chính sách cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Tập đoàn Salesforce đã tuyên bố sẽ cho 49.000 nhân viên làm việc từ nhà tới hết tháng 8/2020 thậm chí tới cuối năm. Các tập đoàn công nghệ lớn như Alphabet (tập đoàn mẹ của Google) và Facebook cũng đưa ra các chính sách tương tự, Twitter và Slack thậm chí còn chuẩn bị nhân viên làm việc từ xa vô thời hạn.

Cùng lúc đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chưa đổ tiền xây dựng các trụ sở hiện đại cho riêng mình đã giảm hoặc ngừng việc gia hạn thuê mặt bằng làm việc nhằm cắt giảm chi phí.

Trong khảo sát mới của tờ New York Times, khoảng một phần ba số người Mỹ được hỏi cho biết sẽ chuyển tới sinh sống tại thành phố, thậm chí tiểu bang khác nếu quy định cho phép làm việc từ xa kéo dài vô thời hạn. Sáu trên bảy số người được hỏi cho biết họ cảm thấy hoàn toàn thoải mái và hài lòng với việc làm việc tại nhà.

Việc làm việc tại nhà ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng đang thách thức những tiêu chuẩn cũ trong ngành lao động, ngay cả đối với các ngành được cho là đột phá và cởi mở với cải cách như ngành công nghệ. Các đột phá công nghệ tại Thung lũng Silicon được cho là đã được khai sinh qua tương tác giữa những nhân tài tại đây, thông qua các hội thảo, các cuộc họp thậm chí qua cả các hoạt động vui chơi giải trí giữa những kĩ sư tài năng với nhau. Việc hình thành các trung tâm kinh tế ngành quy tụ nhân tài chuyên nghiệp cùng sinh sống và hợp tác với nhau cũng được cho là lí do thúc đẩy phát triển kinh tế: Điều này có thể được nhìn thấy qua các trung tâm tài chính, Thung lũng Sillicon (trung tâm công nghệ thông tin) hay Thung lũng Napa (nơi sản xuất rượu vang nổi tiếng thế giới).

Khoảng cách địa lý có thể bớt quan trọng hơn khi thế giới dần chuyển sang mô hình kinh tế tri thức, tuy nhiên đối với việc tuyển dụng và giữ chân nhân lực chất lượng cao, địa lý vẫn là yếu tố không thể bỏ qua. Tương tác vật lý vẫn là yếu tố chưa thể loại bỏ hoàn toàn ngay cả khi hoạt động làm việc từ xa trở nên phổ cập. Sẽ có những cuộc họp doanh nghiệp hay đại hội cổ đông đòi hỏi tương tác vật lý không thể tránh khỏi, ngay cả khi phần lớn nhân lực sẽ làm việc thường xuyên tại nhà.

Chính vì vậy, các trung tâm kinh tế theo ngành sẽ không hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, hình thái tồn tại của các trung tâm trên sẽ có thay đổi: Thay vì tập trung với mật độ cao trong một khu vực, các nhân lực chuyên ngành sẽ phân bổ tại nhiều “khu vực vệ tinh” xung quanh một “trung tâm làm việc chính”. Susan Wachter, giáo sư chuyên ngành tài chính và bất động sản thuộc trường kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania đã đưa ra giả thiết về “các nút giao láng giềng”, theo đó nhân viên của một doanh nghiệp sinh sống rải rác tại các khu vực quanh khu vực đặt trụ sở doanh nghiệp như các “tàu con” xoay quanh “tàu mẹ”.

Mô hình phân bố lao động mới có thể đem lại nhiều tác động với kinh tế - xã hội. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, mô hình trên cho phép bên sử dụng lao động tuyển dụng và giữ chân nhiều nhân tài hơn do phạm vi tuyển dụng được mở rộng. Đối với người lao động, địa lý nay không còn là rào cản quá lớn như trước đối với những nhân lực có trình độ cao khi nộp đơn ứng tuyển công việc. Đối với quy hoạch kinh tế vùng, sự phồn vinh của khu vực kinh tế ngành nay có thể dễ dàng lan tỏa tới các khu vực lân cận hơn trước. Làm việc từ xa sẽ không hoàn toàn thay thế mô hình truyền thống, thay vào đó “cái cũ” và “cái mới” sẽ dung hòa để tạo ra một thị trường lao động của tương lai hậu dịch COVID-19.


Triệu Hải
Ý kiến của bạn