Trên thế giới, nhiều nghệ sĩ bày tỏ rằng có lẽ họ sẽ không làm việc ở nhà hát nữa ngay cả khi đại dịch kết thúc. Nhiều người trong số họ đã chủ động chuyển sang học tập và nghiên cứu các kỹ năng về sản xuất kỹ thuật số, phim, truyền hình hoặc một số ngành nghề bên ngoài nghệ thuật. Thực tế, COVID-19 đang dẫn đến sự bất ổn về tài chính đối với những người làm nghệ thuật, đặc biệt là những nghệ sĩ tự do. Đại dịch cũng đang đe dọa sự đa dạng và ổn định trong tương lai của ngành.
Một số khảo sát đã được đưa ra nhằm xem xét những ảnh hưởng trên tất cả các khía cạnh của rạp hát tại Vương quốc Anh. Những phản hồi ban đầu cho thấy các nhà quản lý rạp hát đang tìm kiếm thu nhập thay thế và cân nhắc tương lai của họ, điều này làm nổi bật những tác động lâu dài tiềm năng khi các cá nhân đã thành thạo những kỹ năng mới và tìm kiếm thu nhập bên ngoài rạp hát. Tiến sĩ Joshua Edelman, giảng viên cao cấp về Kịch nghệ và Biểu diễn Đương đại tại Đại học Manchester Metropolitan, cho biết: “Nhiều người nói rằng họ sẽ không làm việc ở nhà hát nữa sau đại dịch. Về lâu dài, điều này có thể đồng nghĩa với việc giảm đáng kể nguồn nhân tài mà các rạp hát phụ thuộc vào công việc của họ”.
Sự lạnh lẽo đáng sợ bao trùm các nhà hát trên toàn thế giới thời COVID-19
Theo kết quả các cuộc khảo sát, có đến 70% người làm nghệ thuật tự do cảm thấy bi quan về tương lai của họ. Đại dịch cũng đang gây ra một tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của giới nghệ sĩ nói chung. Nhiều người băn khoăn, tác động tài chính của đại dịch sẽ khiến các nhà sản xuất và công ty sợ rủi ro hơn và ngành công nghiệp thậm chí còn kém công bằng hơn cả trước đại dịch.
“Mọi khía cạnh của cuộc sống sẽ bị tổn hại mãi mãi' – đó là cách mà nhiều nghệ sĩ quốc tế mô tả về tác động của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần của họ. Rõ ràng, biểu diễn nghệ thuật là một trong những ngành bị đại dịch tàn phá nặng nề nhất.
Khi “cơm áo không đùa với khách thơ”
Tại Việt Nam, chưa từng có tiền lệ giới nghệ sĩ bị “thất nghiệp” trên diện rộng như thời điểm hiện tại. Mới đây, Chính phủ đã phải ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động do đại dịch COVID-19, bao gồm hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật. Để nhận được hỗ trợ, viên chức hoạt động nghệ thuật phải có đủ các điều kiện sau: Là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV; Làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
Kể từ khi COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, rất nhiều nghệ sĩ đã phải tìm thêm nghề tay trái để đảm bảo cuộc sống. Ai cũng phải sống, phải hít thở, phải ăn. Nghệ sĩ cũng vậy. Các nghệ sĩ công tác ở các sân khấu ngoài công lập, hoạt động tự do… còn khó khăn hơn. Để trang trải cuộc sống, nhiều người không ngại sự phán xét, chê trách của dư luận để bán hàng online, thậm chí làm shipper, chạy xe công nghệ… Một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cho biết, COVID-19 khiến diễn viên gần như không có nguồn thu từ nghề, ai có vốn nghề gì thì tận dụng làm nghề đó.
Bù đắp những tổn thương cho ngành biểu diễn nghệ thuật là một cơ hội để thúc đẩy “sức khỏe” sáng tạo và kinh tế của ngành, cũng như sức khỏe tinh thần của những người làm việc trong đó. Tuy nhiên, những phân tích trong đại dịch cho thấy không có một giải pháp nào, kể cả những hứa hẹn về các gói và kế hoạch tài trợ có thể xoa dịu được những thiệt hại mà ngành đã phải chịu đựng. Nhiều nghệ sĩ cảm thấy khó tìm lối thoát. Quả thật, một cuộc khủng hoảng toàn cầu như COVID-19 khiến người ta phải suy nghĩ lại về vị trí của nghệ thuật.