Nhà văn viết Đất không đổi màu qua đời do COVID-19
Trong hành trình văn chương của mình, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã có những tác phẩm nổi tiếng, giành được các giải thưởng lớn. Điển hình là hai tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn và Đất không đổi màu của ông đã được nhận Giải thưởng Văn học sông Mekong. Ngoài ra, nhà văn Nguyễn Quốc Trung còn có nhiều tác phẩm tạo được sự chú ý trên văn đàn. Đó là truyện ngắn Những tia chớp phía chân trời (Giải nhất báo Sài Gòn Giải Phóng), các bút ký: Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Trong tiết Thanh minh, Người đến từ nước Mỹ. Một số truyện của ông được dựng thành phim như: Đêm trừ tịch, Dời nhà lên phố (đoạt giải truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam).
Cả hai tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn và Đất không đổi màu của nhà văn Nguyễn Quốc Trung đều được giới chuyên môn đánh giá cao. Người đàn bà khóc mướn (1990) miêu tả một cuộc tình mang tính biểu tượng, từ câu chuyện cá nhân hòa quyện và nâng lên tầm vóc hữu nghị của hai dân tộc Việt và Khmer, mà người lính tình nguyện ra đi từ một làng có tục khóc mướn chiến đấu ở chiến trường K với một đào hát từng là vũ nữ hoàng gia. Mối tình huyền thoại làm người ta nghĩ đến đức tin, tình yêu và tôn trọng nhau sẽ tránh được xung đột tương tàn.
Trong cơn bão COVID-19, nhà văn Nguyễn Quốc Trung không may là nạn nhân của đại dịch này. Ngày 10/9, tác giả Đất không đổi màu đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 175 sau 2 tuần điều trị COVID-19, thọ 66 tuổi. "Rất đau buồn báo tin với các bạn, bác sĩ bệnh viện 175 vừa thông báo với nhà văn Đào Văn Sử rằng nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã qua đời lúc 13g50 hôm nay 10/9/2021. Vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Bao nhiêu năm vào sinh ra tử tại chiến trường Campuchia không hề hấn gì, vậy mà Trung đã không chống đỡ được kẻ thù vô hình COVID!", nhà thơ Lê Thành Nghị chia sẻ.
Nguyễn Quốc Trung là nhà văn áo lính và trước khi qua đời mang hàm đại tá. Ông quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Hay tin nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời, nhiều đồng nghiệp, bạn đọc không khỏi xót xa. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ, khi ông trở thành người của "Nhà số Bốn" (cách gọi của nhiều bạn viết về tạp chí Văn nghệ quân đội, 4 Lý Nam Đế, Hà Nội) thì Nguyễn Quốc Trung đang ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng mới ra Hà Nội nên cả hai cũng ít gặp nhau.
Là người cùng cơ quan, nhưng cả hai không thân nhau lắm, chỉ giữ quan hệ ở mức bạn viết và đồng đội. "Trung viết khỏe, hầu như năm nào cũng có sách ra, không tiểu thuyết thì tập truyện ngắn. Tôi biết, Trung có làm thơ đăng báo nhưng văn xuôi mới là phần quan trọng của nhà văn Nguyễn Quốc Trung", nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho biết.
Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho biết thêm, cách đây chừng một tháng, ông khá bất ngờ khi Nguyễn Quốc Trung điện thoại cho mình. Sau khi hỏi han tình hình nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và gia đình, nhà văn Nguyễn Quốc Trung hỏi: "Ông vào Quảng Trị ở có cần chi thì nói mình gửi ra cho". Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cười rồi đáp: "Cảm ơn Trung nhé, nói chung mình ổn và cái bọn mình cần lúc này là sức khỏe thôi".
"Nào ngờ, chiều nay mới biết bạn tôi đã bị COVID- 19 cướp mất rồi. Mấy hôm trước đã biết Nguyễn Quốc Trung bị dính COVID- 19 nhưng vẫn hi vọng bạn vượt qua được. Tôi nhắn tin động viên Trung nhưng không thấy trả lời. Trời ơi, ranh giới sinh tử mỏng manh thế ư? Đại dịch kinh hoàng này có thể khai tử bất cứ ai trong khoảng thời gian không lâu lắm. Thôi, Trung nhé! Không ai vượt qua được số phận cả. Hình như thế. Trung hãy thanh thản ra đi. Những tác phẩm của Trung là phần để lại ý nghĩa cho người thân, bạn bè, đồng đội và nhiều người. Người trong cõi người có muôn nỗi chông chênh và khổ ải. Chẳng biết trước được thế nào Trung nhỉ. Mấy dòng này thay nén tâm nhang gửi đến Trung đây, bạn ạ. Trời xanh, mây trắng sẽ đón Trung...", nhà thơ Nguyễn Hữu Quý bùi ngùi chia sẻ.
Nhà văn Lê Thành Chơn của Canh năm qua đời vì tuổi sao sức yếu
Văn đàn Việt thêm màu bi thương khi nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM thông tin: Nhà văn Lê Thành Chơn, sinh năm 1938 xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, là một cựu Thiếu tá quân đội và là một doanh nhân, đã trút hơi thở cuối vào đầu giờ chiều nay, ngày 10/9/2021. Nhà văn mất vì tuổi cao và bệnh.
"Lê Thành Chơn được biết nhiều nhất với tư cách là một sĩ quan dẫn đường của Không quân Nhân dân Việt Nam và với tư cách nhà văn, ông viết nhiều, viết khỏe với nhiều tiểu thuyết nhiều tập về đề tài không quân Việt Nam. Xin vĩnh biệt Lê Thành Chơn, một nhà văn với sở trường viết về người lính không quân và là một người lúc còn làm giám đốc một đơn vị kinh tế của thành phố, với lòng nhân và tính cách hào hiệp đã tạo điều kiện và giúp không ít bè bạn về kinh tế, trong đó có những đồng nghiệp nhà văn", nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Sự nghiệp văn chương của Lê Thành Chơn cũng có những thành tựu được đồng nghiệp, độc giả ngưỡng mộ. Ông được xem là một trong ba cây bút viết về đề tài không quân hay nhất Việt Nam, cùng nhà văn Hữu Mai và Hà Bình Nhưỡng. Lê Thành Chơn đã có nhiều tập ký, 6 tập tiểu thuyết, 3 kịch bản phim truyện cho nghiệp cầm bút của mình với các tác phẩm tiêu biểu như: Anh hùng trên chín tầng mây; Như muôn vàn người lính; Người anh hùng chưa được tuyên dương; Canh năm...
Đặc biệt, tiểu thuyết Canh năm của nhà văn Lê Thành Chơn được nhận Giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 1998 – 2000. Cuốn tiểu thuyết này có cốt truyện rành mạch, tác giả đã xây dựng một đường dây nhân vật hấp dẫn, đầy kịch tính. Họ quyết vượt lên số phận để khẳng định tài năng, phẩm chất của Anh bộ đội Cụ Hồ trên thương trường đầy rẫy những sóng gió, lọc lừa.
Cuốn sách là tấm gương phản chiếu hiện thực sinh động thời mở cửa của đất nước ta. Không gian, thời gian xảy ra trong tiểu thuyết này của nhà văn Lê Thành Chơn là thành phố lớn, một thành phố hoạt động thương trường sôi động nhất nước ta làm bối cảnh để xây dựng, khắc họa chân dung người lính ở mặt trận mới rất chân thật, sinh động và hấp dẫn.
Câu chuyện Canh năm tuy nói về cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường đầy kịch tính nhưng cũng xen kẽ yếu tố trữ tình và đôi khi có thêm chất hài hước để độc giả không nhàm chán khi phải vượt qua gần 2.000 trang sách. Canh năm là một bộ tiểu thuyết lớn phản ánh chân thực và sinh động về đời sống kinh tế thị trường, về thương trường trong thời điểm hiện nay, nó có thể giúp ích cho người đọc thấy được hai mặt tối, sáng của xã hội, của những người sống và làm ăn lương thiện.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.