Ca COVID-19 mới thấp nhất trong hơn 2 tháng qua
Theo thống kê của Bộ Y tế trong 7 ngày từ 18/6-24/6, cả nước ghi nhận 780 ca mắc mới COVID-19, trung bình khoảng gần 112 ca/ ngày. Đây là tuần có số mắc mới thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Trước đó, có những tuần nước ta ghi nhận 12.000- hơn 15.000 ca/ tuần; trung bình khoảng gần 2.000 ca/ ngày - hơn 2.000 ca/ ngày, thậm chí có ngày số mắc mới còn vượt 3.000 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.620.047 ca COVID-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.429 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.639.970 ca. Trong tuần qua, số bệnh nhân phải thở oxy đã giảm mạnh so với trước đó, có ngày chỉ còn 3 trường hợp. Hiện cả nước chỉ còn 1 trường hợp bệnh nhân phải thở máy.
Do bệnh nhân nặng giảm mạnh nên từ vài tuần nay, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Theo thống kê, đến nay tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 266.467.081 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.786.824 liều: Mũi 1 là 70.909.487 liều; Mũi 2 là 68.456.963 liều; Mũi bổ sung là 14.344.123 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.150.078 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.926.173 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.714.602 liều: Mũi 1 là 10.232.333 liều; Mũi 2 là 8.482.269 liều.
Tại cuộc làm việc với UBND TP HCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, khi chuyển COVID-19 sang nhóm B thì việc tiêm vaccine sẽ lồng ghép vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên...
Tuy nhiên, đây chỉ là chuyển phân loại, còn bản chất của COVID sẽ không thay đổi, vẫn có thể tiếp tục biến đổi và có các biến chủng mới xuất hiện nên chúng ta không chủ quan lơ là.
Nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong bệnh viện đã được nới lỏng
Cũng trong tuần qua, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" mới nhất thay thế "Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" và "Hướng dẫn lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" đã được ban hành trước đó.
Tại hướng dẫn mới nhất này, nhiều quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong bệnh viện đã được nới lỏng. Theo đó, hướng dẫn mới của Bộ Y tế các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở khám chữa bệnh được chú trọng vào phát hiện, cách ly sớm trường hợp nghi mắc và tăng cường tiêm vaccine phòng bệnh.
Về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, Bộ Y tế lưu ý tất cả nhân viên y tế khi thực hiện các hoạt động chuyên môn chăm sóc người bệnh COVID-19 tuân thủ đúng các bước lựa chọn, sử dụng, tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo hiệu quả an toàn theo nguy cơ lây nhiễm.
Khuyến khích người bệnh, người nhà người bệnh mang khẩu trang khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Không sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Không sử dụng lại phương tiện phòng hộ cá nhân dưới mọi hình thức; Loại bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đúng nơi quy định.