Cảnh báo này đến từ WHO, UNICEF, và Liên hiệp vắc xin Gavi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh vắc-xin toàn cầu ngày 4 tháng 6 tới, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ họp lại để duy trì các chương trình tiêm chủng và giảm thiểu tác động của đại dịch tới các nước thu nhập thấp.
80 triệu trẻ em bị gián đoạn tiêm chủng định kỳ
Theo số liệu của WHO, UNICEF, Gavi, và Viện vắc-xin Savin, sự cung cấp các dịch vụ tiêm chủng thông thường bị cản trở đáng kể ở ít nhất 68 quốc gia và có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi sống ở các quốc gia này.
Từ tháng 3 năm 2020, các dịch vụ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đã bị gián đoạn trên phạm vi toàn cầu. Đây là điều chưa từng có kể từ khi các chương trình tiêm chủng mở rộng (EPI) bắt đầu vào những năm 1970. Hơn một nửa (53%) trong số 129 quốc gia mà chúng ta có dữ liệu phải hứng chịu sự gián đoạn từ mức trung bình đến nghiêm trọng, hoặc ngừng hoàn toàn các dịch vụ tiêm chủng trong tháng 3 – 4 năm 2020.
Nhiều quốc gia đã tạm thời ngừng các chiến dịch tiêm phòng trong cộng đồng cho các bệnh như dịch tả, sởi, viêm màng não, bại liệt, thương hàn và sốt vàng da, do nguy cơ lây truyền và yêu cầu giãn cách xã hội trong giai đoạn đầu của đai dịch COVID-19.
Đặc biệt, các chiến dịch tiêm phòng bệnh sởi và bại liệt đã bị ảnh hưởng nặng nề. Các chiến dịch sởi bị hoãn ở 27 quốc gia và các chiến dịch bại liệt bị hoãn tại 38 quốc gia. Ít nhất 24 triệu người ở 21 quốc gia có thu nhập thấp được hỗ trợ bởi Gavi có nguy cơ nhỡ lịch tiêm vắc-xin phòng chống bệnh bại liệt, sởi, thương hàn, sốt vàng da, dịch tả, rotavirus, HPV, viêm màng não A và rubella do các chiến dịch bị hoãn và sự xuất hiện của vắc-xin mới.
Có nhiều lý do dẫn tới sự gián đoạn này. Một số cha mẹ không muốn rời khỏi nhà vì lệnh hạn chế di chuyển, thiếu thông tin hoặc vì sợ nhiễm bệnh COVID-19. Nhiều nhân viên y tế không làm được nhiệm vụ vì hạn chế di chuyển, hoặc họ bị điều sang hỗ trợ dịch COVID, hoặc thiếu thiết bị bảo vệ.
Sự chậm trễ vận chuyển vắc-xin đang làm trầm trọng thêm tình hình. UNICEF cho biết có một sự chậm trễ đáng kể trong việc cung cấp vắc-xin theo kế hoạch do các lệnh giãn cách xã hội, sự sụt giảm số lượng các chuyến bay thương mại và số lượng có hạn các chuyến bay thuê riêng. Để giúp giảm nhẹ tình trạng này, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ, khu vực tư nhân, ngành hàng không và các tổ chức khác để dành không gian vận chuyển hàng hóa với chi phí phải chăng để vận chuyển vắc-xin. Gavi gần đây đã ký một thỏa thuận với UNICEF về việc cung cấp kinh phí trước để trang trải cho sự gia tăng chi phí vận chuyển vắc-xin, trong bối cảnh số lượng chuyến bay thương mại có sẵn để vận chuyển giảm đáng kể.
Chiến dịch tiêm chủng | Số nước tạm dừng chiến dịch tính đến ngày 15/5 |
Sởi / Sởi Rubella / Sởi quai bị Rubella (M/MR/MMR) | 27 |
Bại liệt (IPV) | 7 |
Vắc-xin bại liệt bằng đường uống hai liều (bOPV) | 26 |
Virus bại liệt đơn loại 2 (mOPV2) | 13 |
Viêm màng não A (MenA) | 2 |
Sốt vàng da (YF) | 4 |
Thương hàn (TCV) | 2 |
Tả (OCV) | 5 |
Uốn ván (Td) | 7 |
Những nỗ lực để khởi động và duy trì chương trình tiêm chủng
Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành Gavi cho biết, ngày nay nhiều trẻ em ở nhiều quốc gia hiện đang được bảo vệ chống lại nhiều bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Do COVID-19, tiến bộ to lớn này hiện đang bị đe dọa, các bệnh như sởi và bại liệt có nguy cơ trỗi dậy. Duy trì các chương trình tiêm chủng không chỉ ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát mà còn đảm bảo chúng tôi có cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai vắc-xin COVID-19 trên phạm vi toàn cầu trong tương lai.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cũng cho biết: “Chúng tôi không thể để cuộc chiến chống lại một căn bệnh nào đó phải trả giá bằng sự tiến bộ lâu dài trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh khác. Chúng ta có vắc-xin hiệu quả chống lại bệnh sởi, bại liệt và bệnh tả. Mặc dù hoàn cảnh có thể yêu cầu chúng tôi tạm thời tạm dừng một số nỗ lực tiêm chủng, những lần chủng ngừa này cần phải khởi động lại càng sớm càng tốt. Bằng không, chúng ta có nguy cơ tránh một đợt dịch chết người này để lại gặp phải một đợt dịch chết người khác.”
Vào cuối tháng 3, lo ngại rằng các buổi tụ tập đông người ở các chiến dịch tiêm chủng sẽ gây lây nhiễm COVID-19, WHO đã khuyến nghị các nước tạm thời hoãn các chiến dịch y tế dự phòng trong khi chúng ta đánh giá rủi ro và thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm lây truyền COVID-19.
Kể từ đó, WHO đã theo dõi tình hình và hiện đã đưa ra lời khuyên để giúp các quốc gia xác định cách thức và thời điểm tiếp tục các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Hướng dẫn chỉ ra rằng các quốc gia sẽ cần phải đánh giá rủi ro cụ thể dựa trên tình hình COVID-19 tại địa phương, năng lực của hệ thống y tế và lợi ích sức khỏe cộng đồng khi tiến hành các chiến dịch tiêm phòng để phòng chống dịch bệnh.
Dựa trên hướng dẫn này và dựa trên những lo ngại ngày càng tăng về sự truyền nhiễm bệnh bại liệt, Tổ chức sáng kiến xóa sổ bại liệt toàn cầu (GPEI), đang khuyên các nước nên bắt đầu lập kế hoạch tái khởi động một cách an toàn các chiến dịch tiêm phòng bại liệt, đặc biệt là ở các nước có nguy cơ cao mắc bệnh bại liệt.
Bất chấp những thách thức, một số quốc gia đang nỗ lực đặc biệt để tiếp tục tiêm chủng. Uganda đang đảm bảo rằng các dịch vụ tiêm chủng tiếp tục cùng với các dịch vụ y tế thiết yếu khác, thậm chí tài trợ cho việc vận chuyển để đảm bảo các hoạt động tiếp cận cộng đồng. Tại CHDCND Lào, mặc dù toàn quốc đã có lệnh đóng cửa vào tháng 3, tiêm chủng thường quy tại các địa điểm cố định vẫn tiếp tục với các biện pháp cách ly hợp lý.
Vào ngày 4 tháng 6 tới, chính phủ Anh sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về vắc-xin toàn cầu, nhằm mục đích quyên góp ít nhất 7,4 tỷ đô la Mỹ cho Liên minh vắc-xin Gavi để bảo vệ 300 triệu trẻ em ở 68 quốc gia có thu nhập thấp chống lại các căn bệnh chết người từ năm 2021-2025. Khoản tài trợ này sẽ giúp hỗ trợ các chiến dịch tiêm phòng hàng loạt và xây dựng lại các hệ thống y tế cần thiết trong những năm tới để giúp giải quyết thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết, miễn dịch là một trong những công cụ phòng chống bệnh tật cơ bản và mạnh mẽ nhất trong lịch sử y tế công cộng. Sự gián đoạn các chương trình tiêm chủng từ đại dịch COVID-19 có nguy cơ làm mất đi hàng thập kỷ tiến bộ chống lại các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin như sởi. Tại hội nghị thượng đỉnh về vắc-xin toàn cầu ngày 4 tháng 6 tới đây tại London, các nhà tài trợ sẽ cam kết hỗ trợ cho Liên minh vắc-xin Gavi để duy trì và đẩy nhanh công cuộc cứu sinh này ở một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Từ tận đáy lòng, tôi kêu gọi các nhà tài trợ, tài trợ đầy đủ cho Liên minh. Những quốc gia này, đặc biệt là những đứa trẻ này, cần vắc-xin và chúng cần Gavi.
Tuần tới, WHO sẽ đưa ra lời khuyên mới cho các quốc gia về việc duy trì các dịch vụ thiết yếu trong đại dịch, bao gồm các khuyến nghị về việc cung cấp dịch vụ tiêm chủng an toàn.