COVID-19 thành bệnh nhóm B, công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch có gì khác biệt?

21-11-2023 07:08 | COVID-19
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, ngày 20/10/2023, dịch COVID-19 đã chính thức được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Công tác chỉ đạo, điều hành cũng được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

Trong Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025, Bộ Y tế nêu rõ về công tác chỉ đạo, điều hành:

Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch; nhất là đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Chỉ đạo các địa phương căn cứ diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh, thực hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; xem xét kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, phù hợp với việc đáp ứng tình hình dịch bệnh.

Chỉ đạo các địa phương xây dựng Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 của các địa phương.

COVID-19 thành bệnh nhóm B, công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch có gì khác biệt?- Ảnh 1.

Phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới.

Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 cũng nêu rõ, xây dựng và triển khai Kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng; lồng ghép tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên.

Hướng dẫn chính sách liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B.

Chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết những ảnh hưởng do COVID-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản như: công tác tiêm chủng mở rộng, công tác dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các biểu hiện hậu COVID-19,...

COVID-19 thành bệnh nhóm B, công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch có gì khác biệt?- Ảnh 2.

Khi bệnh COVID-19 chuyển sang nhóm B thì Quỹ Bảo hiểm Y tế sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế - Ảnh: VGP/HM

Trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế, Bộ Y tế cũng đã lên phương án bảo đảm công tác y tế. Cụ thể, về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành:

- Kích hoạt kế hoạch đáp ứng với tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

- Triển khai thực hiện 3 trụ cột trong phòng, chống dịch COVID-19:

  1. Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả để sớm kết thúc cách ly, phong tỏa;
  2. Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
  3. Điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Đồng thời thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác.

- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện một số giải pháp cấp bách:

+ Cho phép áp dụng một số biện pháp thuộc quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh như: trưng mua, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, test kit xét nghiệm, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch.

+ Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Trên cơ sở Quyết định của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ban ngành, các địa phương khẩn trương ban hành các hướng dẫn theo thẩm quyền.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tại các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bí thư các tỉnh, thành phố trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo tổ chức họp thường xuyên hoặc đột xuất khi cần thiết để ra các văn bản chỉ đạo nhằm triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng chống dịch.

- Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố báo cáo cho Ban chỉ đạo Quốc gia hàng ngày.

- Đề xuất với Chính phủ quy định rõ thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo các địa phương trong việc quyết định các biện pháp phòng chống dịch để có sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời.

- Ban Chỉ đạo có vai trò thống nhất, điều phối các hoạt động phòng chống dịch giữa các Bộ, ngành, cơ quan thành viên để các đơn vị, địa phương làm căn cứ triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Trên cơ sở các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố triển khai các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh tại địa phương và các địa phương khác.

- Đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan điều phối các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương cho các địa phương, huy động nguồn lực từ các tỉnh, thành phố khác hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.

Phòng chống COVID-19 ở miền sông nước Tiền Giang trong tình hình mớiPhòng chống COVID-19 ở miền sông nước Tiền Giang trong tình hình mới

SKĐS - COVID-19 chính thức trở thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, tỉnh Tiền Giang khuyến khích người dân thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nhất là tại các điểm tập trung đông người.


Minh Đức
Ý kiến của bạn