Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc thường niên lần thứ 27, do Bệnh viện TWQĐ 108 và Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam đã phối hợp tổ chức trong hai ngày 17-18/12/2021.
GS.TS Mai Hồng Bàng – Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 phát biểu tại Hội nghị.
Bệnh ung thư tiêu hóa ngày càng gia tăng
Hệ tiêu hóa là nơi dễ bị tổn thương, dễ dẫn đến ung thư, nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể.
Các loại ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, những năm gần đây các loại ung thư tiêu hóa luôn đứng trong top 5 bệnh ung thư phổ biến và đang ở mức báo động.
Trong đó, 05 loại ung thư phổ biến năm 2020 lần lượt là ung thư gan, phổi, ung thư vú (ở nữ), dạ dày và đại trực tràng. Nước ta nằm trong top 20 quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao trên thế giới. Mỗi năm ghi nhận 17.500 ca mắc mới ung thư dạ dày trong đó 15.000 trường hợp tử vong; gần 15.000 ca mắc ung thư đại tràng mới và có đến hơn 7.000 người chết vì căn bệnh này.
BS.CKII. Trần Kiều Miên trình bày báo cáo về tác động của COVID-19 lên hệ tiêu hóa.
Tác động của COVID-19 đối với bệnh tiêu hóa
Trong gần 2 năm vừa qua, COVID-19 với các tác động lên hệ hô hấp khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, thở oxy, thở máy…
Tuy nhiên, một vấn đề của COVID-19 tác động sớm lên sức khỏe của người bệnh, đó là ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa, ít được nhắc đến.
Với báo cáo của các chuyên gia: BS.CKII Trần Kiều Miên (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam); TS.BS Phạm Hùng Vân (Chủ tịch Hội Vi sinh, Lâm sàng TP.Hồ Chí Minh); ThS.BS.Trần Đăng Khoa (Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) đã cho thấy tác động to lớn của COVID-19 đối với hệ tiêu hóa, như: Chán ăn, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến mật, xuất huyết tiêu hóa…
Những tác động này không chỉ ảnh hưởng ngay thời điểm mắc bệnh, dẫn đến suy kiệt sức khỏe của bệnh nhân, mà nó còn có thể kéo dài từ vài tháng đến hàng năm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh, do vấn đề chán ăn kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng. Từ đó đưa ra các giải pháp về chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 trong và sau khi điều trị.
TS.BS. Phạm Hùng Vân trình bày báo cáo về vai trò của vaccine COVID-19 đối với miễn dịch cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Mai Hồng Bàng, Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, hội nghị là dịp đặc biệt để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong chẩn đoán, xây dựng kế hoạch điều trị, chiến lược điều trị dự phòng với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng điều trị, mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh;
Đồng thời góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực y học nói chung, lĩnh vực tiêu hóa nói riêng giữa các bệnh viện, là nền tảng triển khai các hoạt động hợp tác, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật sâu rộng giữa các bệnh viện trong toàn quốc, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế với nước ngoài, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 ngày nay.
Mời độc giả xem thêm video:
MV Tiêm vaccine vững niềm tin.