COVID-19 sang nhóm B, tổ chức thực hiện phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế thế nào?

17-11-2023 08:32 | COVID-19
google news

SKĐS - Khi bệnh COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, nó vẫn là căn bệnh có khả năng lây lan, đặc biệt ở các khu vực công cộng, nơi đông người, trong các cơ sở y tế... Chính vì thế việc thực hiện phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở y tế vô cùng quan trọng.

Theo đó, ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2023.

Ngày 29/10/2023, Bộ Y tế ban hành Công văn 6923/BYT-DP thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm B.

COVID-19 sang nhóm B, tổ chức thực hiện phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế thế nào?- Ảnh 1.

Cần thực hành vệ sinh tay ở nhân viên y tế, người bệnh và khách thăm, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai một số nội dung như:

+Căn cứ tình hình dịch bệnh, công bố dịch và hết dịch, tổ chức Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

+ Rà soát, bãi bỏ hoặc sửa đổi các văn bản, hướng dẫn đã ban hành thuộc thẩm quyền để phù hợp với việc COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

+Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống COVID-19 thuộc nhóm B.

+Về hướng dẫn thanh toán chi phí điều trị cho người bệnh mắc COVID- 19, chế độ chính sách cho người tham gia chống dịch COVID-19 và xây dựng nhu cầu, bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dịch bệnh.

+Tăng cường truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn).

COVID-19 sang nhóm B, tổ chức thực hiện phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế thế nào?- Ảnh 2.

Tại các cơ sở y tế, tăng cường thực hành vệ sinh tay, trong đó lưu ý trang bị đủ các phương tiện vệ sinh tay.

Đặc biệt, trong nội dung về các hoạt động phòng, chống COVID-19 thuộc nhóm B có hoạt động điều trị và kiểm soát lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm thèo Quyết định 2609?QĐ-BYT ngày 20/6/2023. Theo hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19  trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì tổ chức thực hiện là Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh và các bệnh viện, cơ sở y tế. Cụ thể:

Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:

- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch COVID-19 đã ban hành, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại khi phát hiện các nguy cơ không an toàn trong công tác phòng chống dịch.

- Bố trí đầy đủ kinh phí, trang bị đủ cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện cần thiết phục vụ công tác phòng lây nhiễm.

Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn:

- Đầu mối cập nhật các quy định, quy trình, hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Phối hợp với các phòng, khoa, bộ phận liên quan tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế, truyền thông cho người bệnh về phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 và các bệnh dịch truyền nhiễm khác trong bệnh viện và cộng đồng.

- Tổ chức các hoạt động phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.

- Đầu mối tổ chức giám sát, hỗ trợ việc tuân thủ các thực hành phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các khoa, phòng, đơn vị có liên quan: các khoa, phòng, đơn vị liên quan theo phạm vi chuyên môn và chức năng nhiệm vụ của mình chủ động triển khai và phối hợp tham gia các hoạt động phòng chống bệnh dịch COVID-19.

Một số biện pháp kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

-Phát hiện sớm và cách ly kịp thời người mắc hoặc nghi mắc COVID-19.

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa theo đường lây truyền như phòng ngừa qua đường không khí, đường tiếp xúc và đường giọt bắn tùy thuộc vào từng tình huống lâm sàng khi thăm khám, điều trị, chăm sóc người mắc hoặc nghi mắc COVID-19.

- Đảm bảo thông khí môi trường khu vực chăm sóc người bệnh.

- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân. Theo đó, tất cả nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh mang khẩu trang khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Không sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Loại bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đúng nơi quy định.

-Tăng cường thực hành vệ sinh tay, trong đó lưu ý trang bị đủ các phương tiện vệ sinh tay; thực hành vệ sinh tay ở nhân viên y tế, người bệnh và khách thăm, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

- Vệ sinh khử khuẩn các môi trường bề mặt và phương tiện vận chuyển, chăm sóc người bệnh.

- Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ở một số tình huống đặc biệt như phẫu thuật, bảo vệ người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao (như người bệnh suy giảm miễn dịch, lọc máu chu kỳ, ung thư…)

- Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19: Nhân viên y tế cần được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn hiện hành về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế.

-Tăng cường đào tạo và giám sát tuân thủ các thực hành phòng ngừa ở nhân viên y tế.

COVID-19 sang nhóm B, làm gì để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh?COVID-19 sang nhóm B, làm gì để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh?

SKĐS - COVID-19 chuyển từ nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Theo Hướng dẫn phòng chống COVID-19 mới nhất, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo những điều kiện gì?


Hải Yến
Ý kiến của bạn